Multimedia Đọc Báo in

Hòa Xuân làm tốt việc vận động học sinh đến trường

09:23, 13/08/2014
Những năm gần đây, nhờ sự phối hợp chặt chẽ và cùng vào cuộc quyết liệt của nhà trường, các tổ chức đoàn thể… nên tình trạng học sinh bỏ học ở xã Hòa Xuân (TP.Buôn Ma Thuột) đã giảm đáng kể; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi ra lớp đạt 100%.

Với đặc thù là trường có đến 97% học sinh là người dân tộc thiểu số, hằng năm Trường Tiểu học Phan Bội Châu, xã Hòa Xuân (TP.Buôn Ma Thuột) luôn chủ động triển khai công tác tuyển sinh lớp 1 ngay từ đầu tháng 7. Học sinh của trường chủ yếu là con em đồng bào Êđê ở buôn Buôr và Cư Dluê, nhà trường quyết tâm không để xảy ra tình trạng học sinh đến tuổi không được đi học; vì vậy, không chỉ cử giáo viên đến vận động phụ huynh cho con em đi học, trường còn thông báo về lịch tuyển sinh trên hệ thống truyền thanh của xã, phối hợp với các tổ liên gia thông báo về tuyển sinh, thậm chí đề nghị các tổ liên gia nhận hồ sơ nhập học của học sinh đưa về trường. Thầy Mai Văn Tình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Bội Châu, cho biết: “Nhận thức của đồng bào các buôn trên địa bàn xã về việc học tập của con em mình đã được nâng lên nhiều. Tuy nhiên, một số ít người vẫn cứ nghĩ việc nhập học đơn giản là đến ngày khai giảng 5-9 thì đưa con đến trường là xong; vì vậy, nhà trường phối hợp với các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền cho người dân nộp sớm hồ sơ và chuẩn bị cho con nhập học từ giữa tháng 8. Dự kiến năm học 2014-2015 này, nhà trường sẽ có hai lớp 1 với 46 học sinh”. Không chỉ huy động 100% trẻ đến tuổi ra lớp, Trường Tiểu học Phan Bội Châu còn triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ học sinh, ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học như: hai tuần đầu của năm học mới, mỗi lớp 1 có hai giáo viên phụ trách, trong đó có một giáo viên là người dân tộc thiểu số, nhằm giúp học sinh thuận lợi hơn trong giao tiếp bằng tiếng phổ thông và ổn định lớp; triển khai ngay tìm hiểu hoàn cảnh gia đình và phối hợp với Ban tự quản buôn, các tổ chức đoàn thể của buôn trực tiếp đến vận động, thuyết phục khi nhận thấy học sinh có dấu hiệu bỏ học... Nhờ vậy, những năm học gần đây, trường không có học sinh bỏ học, tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần đạt 98%.

Giáo viên Trường Mầm non Hòa Xuân trang trí lớp học  chuẩn bị cho năm học mới 2014-2015.
Giáo viên Trường Mầm non Hòa Xuân trang trí lớp học chuẩn bị cho năm học mới 2014-2015.

Đến thời điểm này, Trường Tiểu học Phan Đình Phùng đã hoàn thành công tác huy động trẻ đúng tuổi ra lớp năm học 2014-2015 với tỷ lệ đạt 100%. Theo cô Lê Thị Thanh Huyền, Hiệu phó nhà trường cho biết, các buôn trưởng, thôn trưởng và các tổ chức đoàn thể ở thôn, buôn như Đoàn thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh phối hợp rất chặt chẽ với nhà trường trong công tác vận động học sinh đi học. Để chuẩn bị cho năm học mới, vào đầu tháng 8, các thầy cô giáo trong trường đến từng thôn, buôn để thống kê tình hình phổ cập giáo dục; đồng thời đến tận nhà của những học sinh thường xuyên phải theo cha mẹ lên rẫy để thông báo lịch tập trung, lịch học của năm học mới (những trường hợp không gặp được phụ huynh và học sinh thì nhờ cán bộ thôn, buôn thông báo giúp). Cô Huyền chia sẻ: Đảng ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương không chỉ phối hợp trong việc vận động học sinh ra lớp mà còn tích cực tham gia ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học. Cách đây vài năm, số lượng học sinh bỏ học trên địa bàn xã khá nhiều (có năm lên đến 20 học sinh) song từ khi xã thành lập một ban vận động học sinh đi học với sự phối hợp giữa nhà trường, chính quyền và các đoàn thể của xã, đặc biệt là phát huy tốt vai trò của Hội đồng Già làng thì tình trạng này giảm đáng kể. Không chỉ thuyết phục, vận động học sinh đi học, nhà trường còn có nhiều biện pháp hỗ trợ học sinh như: tổ chức dạy phụ đạo miễn phí cho những học sinh yếu về môn Toán và tiếng Việt; tạo điều kiện cho học sinh phát huy những mặt mạnh (văn nghệ, thể thao, các hoạt động phong trào) để tạo thêm hứng thú cho các em khi đến trường. Bên cạnh đó, chính quyền xã và các trường còn vận động từ nhiều nguồn để hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn về quần áo, giày dép, dụng cụ học tập hay tặng học bổng...

Mặc dù là một xã còn nhiều khó khăn song trong những năm qua, Hòa Xuân có nhiều khởi sắc trong công tác giáo dục, nhất là việc vận động học sinh ra lớp và ngăn chặn tình trạng bỏ học. Làm được điều này là do xã đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Ông Trần Văn Tới, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân, cho biết: Năm học 2013-2014, sau khi khai giảng thì vẫn có gần chục học sinh không đến lớp. Phát hiện tình trạng này, UBND xã đã phối hợp với các thầy cô giáo, Hội đồng Già làng, Hội Khuyến học, Ban tự quản các thôn, buôn và các tổ chức đoàn thể khác đến tận gia đình tìm hiểu lý do, vận động, thuyết phục các em đi học. Đặc biệt, vai trò của Hội đồng Già làng, các thôn trưởng, buôn trưởng được phát huy rất tốt. Khi có học sinh bỏ học hoặc phát hiện học sinh có nguy cơ bỏ học, Hội đồng Già làng, buôn trưởng phối hợp với trưởng các dòng họ trong buôn như Niê, Ktul, Byă, H’đơk... tổ chức họp dân, mời gia đình có học sinh bỏ học đến để tuyên truyền, thuyết phục. Các thôn trưởng, buôn trưởng còn phối hợp chặt chẽ với các trường học trong công tác phổ cập giáo dục, thông báo lịch học, lịch tuyển sinh. Song song đó, xã còn triển khai kịp thời, nhanh chóng chính sách hỗ trợ theo quy định của Nhà nước như cấp sách vở, miễn giảm học phí đối với học sinh người dân tộc thiểu số, gia đình chính sách. Đồng thời, vận động hỗ trợ kịp thời về quần áo, đồ dùng học tập, tặng xe đạp, học bổng cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ông Trần Văn Tới bày tỏ: “Bằng nhiều biện pháp nên tỷ lệ huy động học sinh ra lớp những năm gần đây đều đạt 100%; số lượng học sinh bỏ học giảm hẳn. Năm học 2013-2014, toàn xã có 1.303 học sinh từ Mầm non đến THCS song chỉ có 4 trường hợp bỏ học do các em này đã quá tuổi, khả năng tiếp thu kém. Chúng tôi sẽ tiếp tục phấn đấu để không còn tình trạng học sinh bỏ học trong những năm học tới”.

Hồng Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.