Môi trường giáo dục dành cho trẻ tự kỷ - bao giờ được quan tâm?
1. Câu chuyện giáo dục trẻ tự kỷ bằng... cây tại một ngôi trường chuyên biệt ở TP.Hồ Chí Minh vừa được báo chí phanh phui đang khiến dư luận phẫn nộ. Nhìn cảnh các cháu bị các cô giáo, cô bảo mẫu dùng khúc cây, móc sắt đánh đập dã man, các bậc làm cha, làm mẹ không khỏi bàng hoàng trước hành vi của những người tự xưng là giáo viên dạy trẻ chuyên biệt – một nghề nghiệp đòi hỏi không chỉ có kiến thức, kỹ năng sư phạm giỏi mà cần cả tấm lòng. Xót xa nhất chính là những phụ huynh có con không may mắc chứng tự kỷ. Chị bạn tôi – người có cậu con trai 7 tuổi mắc chứng tự kỷ - đã không kìm được nước mắt khi đọc câu chuyện trên. Chị bảo chị không dám xem clip quay cảnh hành hạ này, chỉ đọc bài báo mô tả thôi đã thấy kinh khủng rồi. Tại sao người ta lại có thể vô lương tâm đến thế, khi nạn nhân là những đứa trẻ tự kỷ - phần lớn không nói được và thường có xu hướng tự làm đau mình – không thể kể lại những điều đã trải qua ở trường cho bố mẹ biết và thấy những vết bầm tím trên thân thể của con, bố mẹ cũng không thể đổ lỗi cho cô?
2. Một chị bạn khác của tôi có một cô con gái 8 tuổi mắc hội chứng Angelman (một căn bệnh hiếm gặp và bất trị gây ra do một bất thường trên nhiễm sắc thể thứ 15. Trẻ mắc bệnh này sẽ chậm phát triển, không nói được, không nghe được, không đi đứng được). Từ nhỏ, bé đã được “đi học” tại khoa vật lý trị liệu và phục hồi chức năng thuộc Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP. Hồ Chí Minh). Với sự hướng dẫn tập luyện của các y bác sĩ bệnh viện và sự kiên trì, tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ, bé không chỉ biết đi mà còn làm được nhiều thứ: biết nghe, biết nói một số từ, biết tháo giày, biết cầm muỗng và tự ăn vài muỗng cơm. Nhưng bệnh viện không phải là trường học nên con gái của chị bạn tôi không thể tiếp tục luyện tập ở đó khi bước sang tuổi thứ 8. Từ đó, chị phải bắt đầu hành trình tìm kiếm một ngôi trường chuyên biệt mà nơi đó con gái chị có thể được giáo dục các kỹ năng để hòa nhập cộng đồng, đặc biệt đó là nơi mà cô bé được dạy dỗ bằng tất cả tấm lòng của những thầy, cô giáo có thể kiên trì, nhẫn nại với tính khí thất thường, thiếu những kỹ năng cơ bản nhất của một đứa trẻ chậm phát triển. Hành trình ấy của chị và những bà mẹ có con như chị thật gian nan, vất vả... bởi một ngôi trường như thế không dễ tìm.
3. Một độc giả vừa tìm đến Báo Dak Lak để hỏi thông tin về một nơi có thể tiếp nhận dạy dỗ trẻ tự kỷ trên địa bàn tỉnh. Bà mẹ trẻ có giọng nói buồn bã ấy có vẻ chưa hết bàng hoàng vì mới phát hiện ra đứa con 4 tuổi của mình mắc chứng tự kỷ. Sau khi phát hiện con bị bệnh, chị đã tìm kiếm và không tìm được ngôi trường nào trên địa bàn tỉnh có thể dạy dỗ đứa con đặc biệt của mình, cho đến khi biết được thông tin về lớp học dạy trẻ tự kỷ tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh từ Báo Dak Lak. Nhìn bà mẹ trẻ lặn lội từ một huyện xa lên TP.Buôn Ma Thuột, hăm hở tìm đến ngay Trung tâm để mong có chỗ học cho con mình, tôi nhớ ra rằng để có một lớp học như thế, các thầy cô giáo của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật và nhiều phụ huynh có con mắc chứng tự kỷ đã phải nỗ lực rất nhiều. Việc hình thành lớp học từng vấp phải sự phản đối của một số cán bộ Trung tâm bởi tâm lý ngại khó, ngại khổ khi tiếp nhận đối tượng học sinh thuộc dạng khuyết tật đặc biệt này. Năm 2013, khi lớp học đã hoạt động được 3 năm, cô giáo Đinh Thị Hoa – người gắn bó với công việc giáo dục trẻ tự kỷ ở Trung tâm – vẫn không hết trăn trở bởi lớp học chỉ có thể tiếp nhận số lượng học sinh có hạn, chủ yếu là trẻ ở thành phố trong khi đối tượng có nhu cầu trên địa bàn tỉnh rất đông...
Số lượng trẻ mắc chứng tự kỷ và các dạng khuyết tật liên quan đến chậm phát triển trí tuệ khác rất nhiều. Và nhu cầu cần có một môi trường giáo dục phù hợp cho đối tượng này là có thật. Tuy nhiên, trên thực tế vấn đề này chưa được sự quan tâm đúng mức của cả ngành giáo dục và các cấp chính quyền. Xét cho cùng, việc xuất hiện những cơ sở giáo dục chuyên biệt kém chất lượng, thậm chí là phản giáo dục đã được phản ánh trên báo chí vừa qua cũng là xuất phát từ sự thiếu quan tâm ấy...
Hồng Thủy
Ý kiến bạn đọc