Không đánh giá học sinh tiểu học bằng điểm số
Toàn tỉnh hiện có 427 trường tiểu học, với hơn 175 nghìn HS, trong đó HS dân tộc thiểu số gần 70 nghìn em. Để thực hiện thông tư này, ngành Giáo dục đã tổ chức tấp huấn nâng cao năng lực đánh giá HS tiểu học cho 452 lãnh đạo, chuyên viên phụ trách giáo dục tiểu học của các phòng GD-ĐT; cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán các trường tiểu học; giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật và Ban nghiên cứu giáo dục HS dân tộc. Đồng thời, các phòng GD-ĐT quán triệt tinh thần đổi mới, cũng như nắm bắt các kỹ thuật đánh giá HS tiểu học theo Thông tư cho tất cả cán bộ quản lý, giáo viên của các trường tiểu học. Trước đó, 32 giáo viên cốt cán của tỉnh cũng đã tham dự lớp tập huấn do Bộ GD-ĐT tổ chức. Đến nay, cán bộ lãnh đạo, giáo viên các trường tiểu học trong tỉnh đã nắm cơ bản những quy định về đánh giá học sinh bậc tiểu học thay bằng cách chấm điểm như trước. Bà Thái Thị Mỹ Bình, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT) cho biết, thực ra việc nhận xét HS không mới, bởi Thông tư 32 quy định khá rõ điều này, tuy nhiên suốt một thời gian dài chúng ta nghiêng về việc đánh giá theo điểm số, có phần “lãng quên” nhận xét HS. So với nhiều địa phương khác, toàn tỉnh hiện có gần một nửa số trường tiểu học thực hiện mô hình trường học mới (dự án VNEN), do đó không gặp khó khăn với việc đổi mới đánh giá HS, bởi trên thực tế, để thực hiện mô hình dạy học này, giáo viên và HS đã phải làm quen với việc thường xuyên nhận xét, đánh giá, trao đổi, thảo luận nhóm. Chưa kể, năm học 2013-2014, tỉnh Dak Lak đã đi trước một bước là đổi mới đánh giá HS lớp 1 theo quy định của Bộ GD-ĐT, do đó hầu hết các trường đã được “làm quen” với việc đổi mới.
Học sinh lớp 2A Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) trong giờ học tiếng Việt. |
Cùng với lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Cư Kuin, chúng tôi đến thăm lớp 2A Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) do cô giáo Hoàng Thị Hằng chủ nhiệm. “Con trả lời đúng rồi! Con giỏi lắm! Câu trả lời của con gần đúng rồi! Có bạn nào bổ sung câu trả lời của bạn mình không nhỉ?”, ấy là nhận xét của cô giáo Hằng sau mỗi câu trả lời của các em. Cứ như vậy, tiết học tiếng Việt diễn ra sôi nổi, hào hứng. Cuối tiết học, cô Hằng dành khoảng 5 phút nhận xét về giờ học, khen một số em tích cực xung phong phát biểu ý kiến xây dựng bài. Cô Hằng chia sẻ: “Trước đây, những em thường xuyên phát biểu, mình cho điểm tại lớp để khuyến khích tinh thần học tập, còn bây giờ chỉ nhận xét. Qua 2 tuần thực hiện đổi mới đánh giá, thấy các em háo hức, ham học hơn khi được cô giáo khen”. Cô Nguyễn Thị Giang Thanh, Trường Tiểu học Kim Đồng (thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo) cũng có cùng nhận xét trên. Cô Thanh cho biết: “Là một trong những trường thực hiện thí điểm mô hình trường học mới (VNEN) nên giáo viên đã quen với việc nhận xét HS thay vì cho điểm số. Ở trường, giáo viên khuyến khích các em tích cực học tập bằng cách thưởng “ông mặt cười” khi có câu trả lời đúng. Vào giờ sinh hoạt lớp hằng tuần, giáo viên sẽ tuyên dương, khen thưởng những em học tốt, khuyến khích, động viên những bạn học chưa tốt”. Với đặc thù của một trường có đông HS dân tộc thiểu số, giáo viên đã chia nhóm, bố trí xen kẽ những em học lực trung bình, HS dân tộc thiểu số ngồi xen kẽ với những bạn học khá, giỏi để cùng giúp nhau tiến bộ. Mỗi buổi học cô Thanh chỉ nhận xét một nhóm, ở buổi học sau sẽ nhận xét nhóm khác, cứ như vậy tất cả HS trong lớp đều được nhận xét, đánh giá.
Việc đánh giá bằng nhận xét có cái mới và toàn diện hơn ở chỗ giáo viên không chỉ xác định được kết quả mà còn nắm vững được những chuyển biến tích cực trong học tập của các em, từ đó có biện pháp để hướng dẫn, giúp đỡ HS ngày càng tiến bộ. Muốn làm được điều này, giáo viên không chỉ vững về chuyên môn, các kiến thức ngoài cuộc sống mà còn rất cần khả năng quan sát, theo dõi, trao đổi, phỏng vấn, kiểm tra, nhận xét, tư vấn hướng dẫn, động viên HS kịp thời. Vì vậy, đòi hỏi giáo viên phải có trách nhiệm, đạo đức, tự trọng nghề nghiệp trong việc nhận xét năng lực học tập của HS một cách trung thực, khách quan thông qua quá trình phấn đấu, rèn luyện. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể của Bộ GD-ĐT nên các trường vừa làm vừa chờ đợi và không phải giáo viên nào cũng có đủ năng lực để đánh giá, đưa ra nhận xét chính xác, khách quan. “Cùng với tăng cường công tác kiểm tra, tư vấn, hướng dẫn các trường kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, Sở GD-ĐT chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên”, bà Thái Thị Mỹ Bình, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT) cho biết.
Gia Nguyên
Ý kiến bạn đọc