12:56, 18/10/2014
Nằm cách trung tâm huyện Ea H’leo khoảng 20 km, Trường THCS Chu Văn An, xã Ea H’leo được xem là ngôi trường trung tâm của khu vực 3 xã Ea H’leo. Tuy nhiên, trong những năm gần đây số lượng học sinh bỏ học giữa chừng đang có chiều hướng gia tăng.
Ông Nguyễn Đức Đạo, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An cho biết: Năm học 2013 – 2014 vừa qua, toàn trường có 822 em, với 25 lớp học. Nhưng đến cuối năm, số lượng học sinh bỏ học tới 48 em, chiếm tỷ lệ 5,3%. Riêng trong năm học 2014 - 2015, tuy mới bắt đầu học được gần 3 tháng nhưng đã có 2 em nghỉ học. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học là do các em chưa xác định được động cơ học tập rõ ràng, bị “hổng” kiến thức từ cấp học dưới. Chính điều đó đã khiến nhiều em không tiếp thu được kiến thức mới, kết quả học tập kém, không theo kịp chương trình, dẫn đến chán nản, không muốn đi học. Một bộ phận cha mẹ học sinh, nhất là các bậc phụ huynh người dân tộc thiểu số chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác giáo dục; phải lo lắng việc mưu sinh, thường xuyên đi làm xa nên không có thời gian để ý, quan tâm, chăm lo đến việc học của con em mình, mọi chuyện học hành của con em đều phó mặc cho nhà trường. Bên cạnh đó, đường sá đi lại khó khăn, có những học sinh nhà ở cách xa trường hàng chục cây số, phải lội qua suối nên việc đi học của các em gặp nhiều trở ngại. Trên thực tế, trong số những em học sinh bỏ học, có một số em do tuổi lớn hơn so với tuổi đến lớp nên các em ngại không muốn tới trường, một vài em bỏ học để chuẩn bị lấy chồng; nhiều em hoàn cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn phải bỏ học để lên nương rẫy phụ giúp gia đình làm kinh tế, nuôi các em sau mình ăn học. Ngoài ra, nhiều bậc phụ huynh không nhắc nhở con em họ trong chuyện học hành vì cho rằng “có học thì sau này cũng không có việc làm”…
|
Học sinh Trường THCS Chu Văn An tập thể dục giữa giờ. |
Để giải quyết tình trạng học sinh bỏ học ngày càng nhiều, Ban Giám hiệu Trường THCS Chu Văn An đã đề ra những giải pháp cụ thể như: Tăng cường dạy phụ đạo cho học sinh có học lực yếu kém; tổ chức tốt các hoạt động xã hội trong nhà trường để học sinh gắn bó với trường lớp; nâng cao nhận thức của gia đình và học sinh về tầm quan trọng và giá trị của việc học, khuyến khích gia đình nghèo, gia đình người dân tộc thiểu số động viên con em đi học; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên nhà trường, hội phụ huynh học sinh để động viên học sinh ra lớp.
Cùng với sự nỗ lực của nhà trường, thiết nghĩ, cấp ủy, chính quyền xã Ea H’leo cần chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, chi bộ thôn, buôn, các già làng, người có uy tín đến tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của giáo dục đối với con em mình; từ đó nâng cao nhận thức để các bậc phụ huynh tạo điều kiện cho các em học sinh tới lớp, không nên phó mặc trách nhiệm cho nhà trường, cho ngành Giáo dục.
Hoài Nam
Ý kiến bạn đọc