Cô hiệu trưởng người dân tộc thiểu số hết lòng vì học sinh
“Khi nhận nhiệm vụ tại trường chuyên biệt, đóng chân trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn, tôi luôn trăn trở làm thế nào để nâng cao chất lượng dạy học, giảm tỷ lệ học sinh (HS) bỏ học” - tâm sự của cô giáo Trương Thị Hải Yến, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Bùi Thị Xuân tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Krông Buk lần thứ II - năm 2014 đã thôi thúc chúng tôi về thăm trường.
Đoạn đường gần 30 ki-lô-mét từ trung tâm huyện vào xã Ea Sin không quá khó đi như nhiều năm về trước vì đã được nâng cấp, sửa chữa, song thỉnh thoảng vài ổ gà, ổ voi khiến chiếc xe máy của chúng tôi lảo đảo mất thăng bằng. Sự tiếp đón niềm nở của tập thể cán bộ, giáo viên và HS nơi vùng quê nghèo đã xua tan những mệt nhọc của chặng đường dài. Đưa chúng tôi đi thăm trường, dừng lại ở khu bếp ăn tập thể, cô Yến vui mừng giới thiệu: “Là xã đặc biệt khó khăn, chủ yếu người đồng bào dân tộc thiểu số, việc học của con em gần như khoán trắng cho nhà trường. Vì vậy, công tác huy động trẻ ra lớp, duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng giáo dục luôn là vấn đề nan giải của nhà trường nhiều năm liền. Cách đây 3 năm, Trường được chuyển sang mô hình bán trú, 50% HS được chăm sóc, nuôi dưỡng tại trường, với mức hỗ trợ 420.000 đồng/tháng/em (theo Quyết định 85 của Chính phủ). Đây là giải pháp để tháo gỡ bài toán nan giải trên”. Một mặt động viên, khích lệ giáo viên thương yêu HS như con em mình, xem việc trường là việc nhà, mặt khác cô Hải Yến chủ động, tích cực học tập, sáng tạo trong công tác quản lý. “Mình chỉ được đào tạo chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm, còn việc tổ chức bữa ăn, nuôi dưỡng, chăm sóc các cháu thì lần đầu tiên mới tiếp cận. Trong khi đó, cả tỉnh chỉ có 3 trường thực hiện mô hình bán trú dân nuôi, nên không biết chia sẻ kinh nghiệm cùng ai, vì vậy vừa làm vừa học hỏi. Chưa hết, trong quá trình thực hiện, cán bộ quản lý, giáo viên phải giải thích cho bà con hiểu rõ đối tượng, chính sách ưu tiên ở nội trú, tránh có sự so bì, bởi cùng là xã vùng 3, nhưng có em được ở nội trú, em phải đem gạo hỗ trợ về nhà” - cô Yến chia sẻ. Vào cuối mỗi năm học, cô Yến chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm lập danh sách HS được hưởng chính sách trên, đồng thời phối hợp với Ban tự quản các thôn, buôn rà soát, bình xét đúng đối tượng. Cách làm công khai, minh bạch trên đã tạo niềm tin trong nhân dân. Ngoài số tiền hỗ trợ của Nhà nước, mỗi tháng phụ huynh còn tự nguyện đóng góp 200 nghìn đồng/em để nhà trường tổ chức 3 bữa ăn/ngày bảo đảm chất lượng cho các em yên tâm học tập.
Cô Yến, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Bùi Thị Xuân giới thiệu với lãnh đạo Vụ Giáo dục dân tộc (Bộ GD-ĐT) bếp ăn tập thể của Trường. |
Một trong những điểm đáng khâm phục ở nữ hiệu trường người dân tộc Sán Dìu này là ngoài tinh thần trách nhiệm của một nhà giáo, cô luôn thân thiện, gần gũi, tạo môi trường làm việc, học tập thật tốt cho thầy cô và các em HS. Qua 3 năm tổ chức nuôi dạy bán trú, tỷ lệ HS nghỉ học giữa chừng của nhà trường giảm đáng kể. Kết thúc năm học 2013-2014, cả hai cấp học chỉ có 10 em bỏ học (gồm 8 em THCS và 2 em TH). Đặc biệt, năm học 2013-2014, tại Hội khỏe Phù Đổng, Trường có 2 HS đoạt giải Ba môn đẩy gậy và điền kinh; 1 em đoạt giải Nhất cấp tỉnh đề nghị dự thi cấp quốc gia tại Hội thi “Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống”; 1 em đoạt giải Nhất cấp huyện giải Toán Violympic; 1 giáo viên đoạt giải tại Cuộc thi “Soạn giáo án” cấp huyện và đoạt giải Nhì Hội thi “Tin học không chuyên ngành Giáo dục”….
Dẫu còn rất khiêm tốn nhưng những thành tích dạy và học đã đạt được là kết quả sự đồng lòng, quyết tâm của từng thầy cô giáo và mỗi HS nhà trường, nhất là khi con đường đến trường của các em ở vùng đặc biệt khó khăn này rất chông chênh. “Nhiệm vụ đối với giáo dục học sinh dân tộc thiểu số còn khá nặng nề, nhưng thành tích các em đạt được là động lực để mỗi thầy cô giáo gắn bó hơn với nghề. Trong năm học này, ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy và học, Trường tiếp tục tập trung vào một số nội dung trọng điểm như: tích cực giáo dục kỹ năng sống cho HS, có kế hoạch, giải pháp cụ thể để tổ chức hiệu quả hơn nữa các hoạt động ngoại khóa nhằm bổ trợ kiến thức cho HS, góp phần từng bước nâng cao chất lượng giáo dục”, chia sẻ của nữ hiệu trưởng người dân tộc thiểu số hết lòng vì HS này khiến chúng tôi càng thêm trân trọng và cảm phục cô.
Gia Nguyên
Ý kiến bạn đọc