Tuổi xuân gắn với con chữ vùng sâu
Tìm đến những xã vùng sâu, vùng xa, gặp những giáo viên cắm bản, dạy học giữa heo hút đại ngàn trong những ngày cuối đông lạnh giá, chúng tôi mới hiểu thế nào là ý nghĩa của sự dấn thân cống hiến. Ở đó, các thầy, cô giáo không quản ngại vất vả, thiếu thốn, vẫn ngày đêm bám trường, bám lớp, miệt mài bên trang giáo án, tận tụy hiến tuổi xuân của mình để “gieo” chữ cho học trò.
Khi biết chúng tôi có ý định vào thăm các trường ở xã Nam Ka và Ea R’bin (huyện Lak), bà Bùi Thị Trí Huệ, Phó Phòng Giáo dục huyện tỏ ra vui mừng nhưng cũng không kém phần ái ngại bởi vì đường sá xa xôi, điều kiện vật chất của các trường còn nhiều thiếu thốn. Quả thật đúng như những gì bà Huệ nói, từ trung tâm thị trấn Liên Sơn vào tới xã Nam Ka chúng tôi phải mất hơn 2 giờ đồng hồ vượt qua chặng đường dài hơn 50 km, một bên là vách núi, một bên là vực sâu. Chiếc xe máy cà tàng ì ạch leo lên những con dốc dựng đứng, những ngọn đèo ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, thi thoảng nó lại nhảy lên như cào cào vì những ổ gà, ổ voi.
Một tiết học của thầy và trò Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng (xã Nam Ka). |
Thầy Phan Trí Dũng, Hiệu phó Trường THCS Hùng Vương (xã Nam Ka) tâm sự: “Giáo viên trong trường chủ yếu là từ các địa phương khác đến công tác nên chịu nhiều vất vả, thiệt thòi vì phải sống xa gia đình, điều kiện ăn ở, sinh hoạt thiếu thốn,... Gần chục năm nay, cuộc sống của chúng tôi gắn bó với những căn phòng nội trú tuềnh toàng trong trường học. Đã vậy, hằng ngày chứng kiến học sinh đến trường với cái bụng đói, quần áo nhếch nhác khiến chúng tôi không thể kìm lòng. Thế nhưng nhìn các em háo hức, tròn xoe mắt, miệng tươi cười mỗi khi được tới trường với cô, với bạn mà cảm động rơi nước mắt”.
Khi tới Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng (xã Nam Ka), gặp và tâm sự với các thầy cô giáo nơi đây về cuộc sống thường ngày mới thấy được lòng yêu nghề của các cô, các thầy. Thầy Y Trưng Buôn Đáp, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Dẫu cuộc sống của các thầy cô giáo nơi đây nhiều thiếu thốn nhưng không vì thế mà việc dạy học bị xao nhãng. Các thầy cô, đặc biệt là những giáo viên trẻ luôn cố gắng vượt qua những thiếu thốn về vật chất cũng như tinh thần để hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Thầy Y Huỳnh Uông (SN 1989), giáo viên đứng lớp kiêm Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng chia sẻ: “Nhà mình ở tận xã Yang Tao (cách Nam Ka gần 70 km) vào đây dạy học nên thỉnh thoảng mới về nhà một lần. Những ngày đầu vào trường với rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng có lẽ trở ngại nhất là việc hòa nhập với người dân địa phương và học trò người dân tộc thiểu số. Thời gian rồi cũng dần quen, dần yêu các em học trò nghèo nơi đây, nên tôi quyết định bám trụ nơi miền quê nghèo khó này”.
Còn thầy Phan Đắc Vỵ (SN 1990) không giấu được vẻ xúc động: “Quê mình tận Hà Tĩnh, vào đây dạy học từ năm 2010. Nhiều lúc nhớ quê, nhớ gia đình, bạn bè nhưng phải cố gắng vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cuộc sống của bà con còn thiếu thốn về vật chất nhưng tình cảm với các thầy cô thì dạt dào lắm. Ở đây tuy khó khăn, nhưng so với các thầy dạy tại điểm trường buôn Lách Ló thì chưa thấm vào đâu…”. Khi chúng tôi có ý định vào thăm điểm dạy tại buôn Lách Ló thì các thầy cô đều ngăn cản, bởi vì thời tiết mưa gió, không thể nào vào đó được. Qua lời kể của các thầy thì buôn Lách Ló nằm cách trung tâm xã khoảng 15 km đường rừng. Mỗi năm học, nhà trường phân công 2 giáo viên vào “cắm” buôn để dạy chữ cho các em. Điều kiện dạy học và sinh hoạt của các thầy cô trong đó vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Điện chiếu sáng vẫn chưa có nên cả buôn phải dùng đèn dầu, nước sinh hoạt cũng thiếu, mấy hộ phải chung nhau một cái giếng đào. Buôn cách xa trung tâm xã nên không có chợ, ngày nắng còn có người đem rau, cá khô vào bán chứ ngày mưa thì mắm muối hết cũng chẳng biết mua ở đâu…
Cô giáo Võ Thị Bảo Trâm hướng dẫn học sinh trong một tiết học tại Trường THCS Trần QuốcToản (xã Ea R’bin). |
Từ xã Nam Ka, xuôi theo Tỉnh lộ 684 khoảng 15 km chúng tôi tìm đến xã Ea R’bin, xã xa xôi và khó khăn nhất của huyện Lak. Với cô giáo H’Yên Du (Trường Mầm non Hoa Phượng) thì gần 10 năm gắn bó với ngôi trường vùng sâu Ea R’bin là ngần ấy thời gian cô phải chịu thiệt thòi khi chấp nhận sự thiếu thốn tình cảm yêu thương của gia đình. Nhưng bù đắp lại, ngày ngày cô được sống trọn vẹn trong tình yêu của học trò. Hỏi ra mới biết, cô H’Yên đã có chồng, con hiện đang ở xã Bông Krang, cách xã Ea R’bin khoảng 60 km. “Tuy không được ở gần và chăm sóc chồng, con nhưng tôi lại được sống cùng học trò, được yêu thương và cống hiến cho nghề” - cô H’Yên vừa tâm sự, vừa đưa ánh mắt trìu mến nhìn lũ trẻ lấm lem đang hồn nhiên vui đùa dưới sân trường.
Tốt nghiệp Trường Đại học Đà Lạt, cô giáo Phạm Thị Diệu Thu (SN 1991), giáo viên môn Văn Trường THCS Trần Quốc Toản (xã Ea R’bin) chia sẻ: “Thời gian đầu mới vào đây mình thấy nản và buồn lắm. Mấy lần định bỏ nghề về quê kiếm việc gì làm nhưng nghĩ đến bọn trẻ, đến ánh mắt tròn xoe, ngây thơ và khát khao con chữ của các em là không dứt ra được...”. Còn cô Võ Thị Bảo Trâm (SN 1986), giáo viên môn Tin học Trường THCS Trần Quốc Toản, cho biết: Nhà bên tận huyện Krông Bông nên mỗi tháng cô mới về một lần. Sống một thân một mình nơi đất khách, xa gia đình, nên đã không biết bao đêm cô ôm gối ngồi khóc. Đối với cô Trâm, mỗi ngày được lên lớp, được nghe tiếng nói cười của học sinh là niềm vui, là hạnh phúc vô hạn...
Nhìn những vết nứt, những mảng tường bị bong tróc của căn nhà mà nhà trường mượn cho giáo viên ở tạm khiến chúng tôi không khỏi xót xa. Do tường bị nứt nẻ nên các thầy cô phải dán lên đó nhiều lớp giấy, báo để cho đỡ ẩm mốc quần áo, chăn màn. Mỗi phòng chỉ khoảng 12 m2 mà có tới 4 người cùng sinh hoạt nên chỉ có chiếc giường và chiếc bàn là đã hết không gian. Các cô phải thay phiên nhau soạn bài cho kịp giờ lên lớp. Điều kiện nơi ở đã khó khăn như vậy, còn chuyện ăn uống thì lại càng thiếu thốn hơn. Vì ở xa nên chợ không họp được thường xuyên, vì vậy bữa cơm của các thầy, các cô thường xuyên chỉ có cá khô và rau rừng.
Dẫu bộn bề những khó khăn, thiếu thốn, nhưng với những thầy cô giáo mà chúng tôi đã được gặp, ngọn lửa nhiệt tình, lòng yêu nghề, mến trẻ đã gắn kết họ với mảnh đất xa xôi này. Và ngược lại, với họ sự đùm bọc cưu mang của bà con nơi vùng xa nghèo khó này như sợi dây tình cảm đã níu chân các thầy cô giáo ở lại để cùng chung sức “gieo” cái chữ cho học sinh. Sự học ở vùng xa dẫu còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng hằng ngày tiếng rộn ràng học bài của các em thơ vẫn vang lên giữa đại ngàn…
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc