Multimedia Đọc Báo in

Cống hiến trọn đời cho sự nghiệp "trồng người"

08:32, 28/05/2015

Đó là thầy Võ Thành Công, 75 tuổi, trú tại tổ dân phố 8, phường Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột), người đã có gần 50 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định), năm 1966, sau khi tốt nghiệp Trung cấp sư phạm Quy Nhơn (Bình Định), chàng sinh viên Võ Thành Công lên Dak Lak lập nghiệp và tham gia dạy học tại Trường Tiểu học Thăng Long (thị xã Buôn Ma Thuột lúc bấy giờ) đến ngày Buôn Ma Thuột được giải phóng. Thầy Công cho biết, những năm đầu sau giải phóng (ngày 10-3-1975), ngành giáo dục trên địa bàn thị xã còn gặp khá nhiều khó khăn, cần sớm đổi mới, nhất là ở bậc tiểu học. Trước thực tế đó, thầy Công đã kêu gọi và thống nhất với Ban giám hiệu của 5 trường tiểu học trên địa bàn thị xã (gồm trường Võ Tánh, trường Trần Văn Ơn, trường Thăng Long, trường Phát Triển và một số lớp của một trường tư thục lúc bấy giờ) đề xuất lên lãnh đạo tỉnh và thị xã gộp chung thành một trường thống nhất. Ngày 15-3-1975, Trường Tiểu học Trần Văn Ơn được thành lập do thầy Võ Thành Công làm hiệu trưởng. Thầy Công kể: Ngày đó, đời sống của người dân còn “đói cơm, khát chữ” lắm. Học trò của trường hầu hết có hoàn cảnh gia đình nghèo khó. Tình trạng học sinh bỏ học, trốn học xảy ra thường xuyên. Với cương vị là Hiệu trưởng, hằng ngày, thầy Công cùng với các giáo viên đi đến từng hộ gia đình để vận động các em đến trường học; đồng thời, kêu gọi người dân quyên góp quần áo cũ tặng học sinh để khuyến khích và giúp các em có quần áo sạch sẽ đến trường. Lớp học thì thiếu thốn đủ bề, nơi ở cho giáo viên không đầy đủ, thầy Công đã làm đơn xin chính quyền cho mượn tạm những nhà kho, nhà cũ do chế độ trước bỏ lại để sửa sang làm phòng học và nơi nghỉ tạm cho giáo viên. Trước sự nhiệt tình, không ngại khó của thầy Công đã làm cho nhiều giáo viên không còn ý định bỏ nghề, tiếp tục gắn bó với trường, số lượng học sinh cũng ngày một tăng lên và tình trạng bỏ học giảm đi trông thấy.

 

Mỗi tối, thầy Võ Thành Công vẫn thường lên lớp chỉ bảo thêm cho các em học sinh nội trú đang học tại Trường Tiểu học Quang Trung của mình.
Mỗi tối, thầy Võ Thành Công vẫn thường lên lớp chỉ bảo thêm cho các em học sinh nội trú đang học tại Trường Tiểu học Quang Trung của mình.

Năm 1978, thầy Công được chuyển công tác đến làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cư Êbur (nay là Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, thuộc xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột). Đến năm 1984, thầy làm Chủ tịch Công đoàn Phòng Giáo dục TP. Buôn Ma Thuột. Tháng 9-2000, Hội Khuyến học TP. Buôn Ma Thuột được thành lập, thầy Công được giao nhiệm vụ Phó chủ tịch Hội từ đó. Năm 2003, thầy Công nghỉ hưu và tiếp tục công tác tại Hội Khuyến học TP. Buôn Ma Thuột đến nay. Giờ đây, dù tuổi cao, sức khỏe có phần giảm sút nhưng thầy Công cùng các thành viên của Hội tích cực vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ, tài trợ cho Quỹ Khuyến học của thành phố để trao thưởng cho học sinh nghèo học giỏi, những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt tiếp tục được đến trường. Để làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài, thầy Công đã đề xuất thành lập các chi hội khuyến học ở từng xã, phường, thôn, buôn và tổ dân phố nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp, gắn liền với công tác an sinh xã hội trên địa bàn. Những năm qua, Hội Khuyến học thành phố đã thực sự là người bạn đồng hành, là cánh tay nối dài của ngành giáo dục và đào tạo địa phương, là nguồn động viên cho học sinh nghèo, tiếp sức các em sinh viên có hoàn cảnh éo le, nâng bước các em có cơ hội vươn lên trong cuộc sống.

Nhận thấy nhu cầu học tập của học sinh tiểu học khá cao, đặc biệt là những em nhỏ có hộ khẩu ở các huyện trong tỉnh và một số tỉnh, thành khác cùng cha mẹ đến tạm trú trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, năm 2003, thầy Công đã đứng ra kêu gọi một số đồng nghiệp đã nghỉ hưu cùng góp vốn thành lập Trường Tiểu học Quang Trung ngay tại khuôn viên nhà mình (tổ dân phố 8, phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột). Hằng năm, Trường Tiểu học Quang Trung thường xuyên có khoảng 180 - 250 học sinh theo học ở tất cả các lớp từ khối 1 đến khối 5.

Bên cạnh chăm lo cho công việc quản lý và chuyên môn, thầy Công luôn quan tâm đặc biệt đến những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, động viên giúp đỡ các em vượt lên hoàn cảnh để học tập tốt và có chế độ miễn, giảm học phí cho những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cùng với việc dạy chữ, nhà trường đã có nhiều phương pháp giáo dục đạo đức, nếp sống cho học sinh thông qua các hoạt động ngoại khóa, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tổ chức d¬¬ọn vệ sinh môi trường ở nơi công cộng..., qua đó giúp các em học sinh có thêm động lực, hăng say học tập tốt.

Suốt gần 50 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, dù ở cương vị nào, thầy Võ Thành Công cũng cố gắng phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, luôn được tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh kính trọng, yêu mến. Thầy Công bộc bạch: “Những thế hệ học trò của tôi có rất nhiều em đã thành đạt trong xã hội. Mỗi dịp lễ, Tết, các em lại tìm về tặng thầy những bó hoa tươi thắm, những lời chúc tốt đẹp nhất, kể cho thầy nghe về công việc và lắng nghe những lời khuyên từ thầy để sống sao cho tốt hơn. Với tôi, đó là niềm hạnh phúc không gì so sánh được!”.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.