Multimedia Đọc Báo in

Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi: Chăm lo cho nền móng tương lai - Kỳ II: Cho giáo dục mầm non thêm "cứng cáp"

09:26, 26/05/2015

Bậc học mầm non đã có diện mạo mới. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu trong năm 2015 được Bộ GD-ĐT công nhận đạt chuẩn PCMN cho trẻ 5 tuổi và duy trì bền vững kết quả này thì vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức về cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi và đội ngũ giáo viên...

Thiếu trường lớp, thiếu thầy

Năm 2014, UBND tỉnh đã công nhận và công nhận lại 5 địa phương đạt chuẩn PCMN cho trẻ 5 tuổi là Krông Ana, M’Drak, Ea Kar, Buôn Đôn và TP. Buôn Ma Thuột. Mới đây, Sở GD-ĐT đã kiểm tra tại 10 địa phương chưa được công nhận cho thấy, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp ở các xã phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn đều đạt trên 95%; 100% trẻ em trong độ tuổi được học 2 buổi/ngày/năm học; trên 90% trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, số trẻ em là dân tộc thiểu số có khó khăn về ngôn ngữ đều được tăng cường tiếng Việt trước khi vào lớp 1. Tuy nhiên theo chia sẻ của hầu hết các địa phương trên, nguyên nhân chính chưa được công nhận đạt chuẩn PCMN cho trẻ 5 tuổi năm 2014 là do khó khăn về cơ sở vật chất. Cụ thể còn 260 phòng học lớp 5 tuổi là phòng tạm, mượn (chiếm tỷ lệ 29,1%), 237 điểm trường chưa có công trình nước sạch (tỷ lệ 29,1%), 252 điểm trường chưa có công trình vệ sinh (28,23%), 348 điểm trường chưa có thiết bị đồ chơi ngoài sân, 314 lớp 5 tuổi chưa có máy vi tính, phần mềm trò chơi ứng dụng công nghệ thông tin...

Cán bộ quản lý, giáo viên mầm non tham quan mô hình đồ dùng,  đồ chơi tự làm năm học 2014-2015.
Cán bộ quản lý, giáo viên mầm non tham quan mô hình đồ dùng, đồ chơi tự làm năm học 2014-2015.

Đơn cử như huyện Ea H’leo có 125 phòng học lớp 5 tuổi, chỉ có 33 phòng học kiên cố, 22 phòng bán kiên cố, còn lại là phòng mượn, tạm. Đáng quan ngại do chưa có phòng học, phải mượn nhà sinh hoạt cộng đồng buôn để học nên lớp mầm non ở buôn Hiao (xã Ea Sol) chỉ học một buổi, còn một buổi dành cho lớp tiểu học. Hay như huyện Ea Súp dù đã rất nỗ lực mở thêm lớp dành cho các cháu 5 tuổi tại thôn Bình Lợi (thôn mới thành lập thuộc xã Cư M’lan); tiếp tục chia tách một số trường mầm non có nhiều điểm trường để thuận lợi trong dạy và nuôi dưỡng trẻ, nhất là việc huy động trẻ ra lớp, song đến nay vẫn còn 14/66 lớp ghép 5 tuổi của các xã Ea Lê, Ia R’vê, Ia J’lơi, Ea Rôk và Ia Lốp; 14 lớp 5 tuổi phải học trong phòng học mượn, tạm; 24 lớp 5 tuổi có bộ đồ dùng, đồ chơi thiếu so với quy định, 22 lớp 5 tuổi thiếu phòng hoặc khu vệ sinh, 37 điểm trường lẻ chưa có công trình nước sạch, 30 điểm trường chưa có công trình vệ sinh. “Vì vậy nhiều xã, thị trấn được công nhận phổ cập nhưng còn nợ về tiêu chuẩn môi trường và cơ sở vật chất”, bà H’Khun Siu, Phó Trưởng phòng GD-ĐT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo PCGD huyện Ea Súp cho biết. Tương tự tại huyện Krông Bông, từ năm 2011 đến nay các trường mầm non trong huyện đã được xây dựng nhiều phòng học cũng như trang thiết bị nhưng vẫn còn 12 phòng học tạm nhờ tại các xã Hòa Phong, Cư Pui, Cư D’răm, Yang Mao; thiếu 19 công trình vệ sinh ở các điểm trường lẻ, 4 trường mầm non chưa có bếp ăn bán trú…

Về đội ngũ giáo viên, toàn tỉnh hiện thiếu 50 giáo viên mầm non cho lớp bán trú 5 tuổi (theo thông tư cũ), còn theo Thông tư 06 có hiệu lực từ ngày 1-5-2015, thiếu 559 người. Thiếu đội ngũ chăm sóc và giáo viên mầm non ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Ông Trần Quốc, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Krông Bông cho biết: “Thực hiện Đề án PCMN cho trẻ 5 tuổi, phòng GD-ĐT đã chỉ đạo các trường mầm non ưu tiên giáo viên đạt trình độ trên chuẩn dạy lớp 5 tuổi, đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đến nay, 100% giáo viên dạy lớp 5 tuổi đạt trình độ chuẩn, trong đó trình độ trên chuẩn chiếm 60,23%. Tuy nhiên hiện vẫn còn thiếu 24 giáo viên các lớp bán trú. Huyện đã tổ chức thi tuyển giáo viên mầm non, tuy nhiên biên chế năm học 2014-2015 chưa được Sở Nội vụ phê duyệt, ảnh hưởng đến công tác chăm sóc, giáo dục trẻ”. Còn tại huyện Ea H’leo, mặc dù các xã, thị trấn đã đạt tiêu chí giáo viên, nhưng chỉ mới có 41/125 lớp 5 tuổi tổ chức bán trú (đạt tỷ lệ 37,6%). Số trường tổ chức bán trú ít, chưa đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh, việc duy trì lớp 2 buổi/ngày không ổn định, nguy cơ trẻ bỏ học vào buổi chiều cao, nguyên nhân là do biên chế giáo viên chưa đáp ứng để mở lớp bán trú.

Cần sự vào cuộc quyết liệt

Kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Đề án PCMN cho trẻ 5 tuổi đáng trân trọng, ghi nhận, song cũng không khỏi lo lắng về tính bền vững của công tác phổ cập bởi vẫn còn sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng. Nguyên nhân khách quan là do tỉnh ta có địa bàn rộng, nhiều vùng dân cư sống không tập trung, đời sống của nhân dân còn khó khăn, do đó Nhà nước chưa thể xây dựng trường lớp, đầu tư trang thiết bị đồng bộ cho các điểm trường đúng quy định, nhất là những điểm trường lẻ ở những vùng dân di cư tự do của một số xã vùng sâu, vùng xa. Song về mặt chủ quan, vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo chưa quyết liệt, thiếu các giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, như: chưa quy hoạch quỹ đất cho giáo dục mầm non hay chưa tranh thủ các nguồn lực để thực hiện tốt công tác phổ cập; chưa lồng ghép nhiệm vụ PCMN cho trẻ 5 tuổi với chương trình kiên cố hóa trường, lớp học, chương trình xây dựng nông thôn mới, các dự án và đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa giáo dục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi phục vụ PCMN cho trẻ 5 tuổi. Trao đổi với phóng viên sau đợt kiểm tra các địa phương chưa đạt chuẩn, bà H’Yim K’đoh Phó Giám đốc Sở GD-ĐT trăn trở: “Nhiệm vụ PCMN cho trẻ 5 tuổi không kém phần khó khăn vất vả, đòi hỏi phải được quan tâm thường xuyên, lâu dài. Vì vậy rất mong các cấp lãnh đạo quan tâm sát sao hơn nữa việc tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị, làm nền tảng để các cháu học tốt hơn ở các bậc học sau; đồng thời thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ giáo viên và trẻ mầm non kịp thời theo quy định. Về phía ngành Giáo dục, tiếp tục xác định phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi là một nhiệm vụ trọng tâm, nếu không muốn nói đó là “thời kỳ vàng của cuộc đời”, giáo viên là lực lượng nòng cốt, từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm, tiếp tục nỗ lực, tâm huyết đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển giáo dục mầm non, đáp ứng sự tin tưởng và kỳ vọng của nhân dân trong tỉnh.

 Nguyên Hoa

[links()]


Ý kiến bạn đọc