Không nên tạo áp lực thi cử cho học sinh bằng những bài tập khó
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên thuộc về thầy cô, những người trực tiếp hướng dẫn học sinh ôn tập. Mong muốn đạt được mục tiêu lớn trong kỳ thi, nhiều thầy cô đã cho học sinh thử sức với những dạng bài tập, dạng đề thi “khủng” và yêu cầu học sinh bằng mọi cách kỳ cạch giải cho bằng được những dạng đề như vậy. Theo nhiều thầy cô giáo, làm như thế thì học sinh mới chịu học, hiệu quả giảng dạy sẽ cao và uy tín của thầy cô sẽ được nâng lên. Tuy nhiên, những bài tập khó mang tính hàn lâm sẽ tạo ra khá nhiều áp lực cho học sinh trước mỗi kỳ thi. Các thầy cô nâng cao kiến thức cho học sinh qua các dạng đề khó song lại “quên” rèn cho các em về kỹ năng làm bài. Vì thế dẫn đến một hiện tượng là trong những năm gần đây, đề thi có sự phân hóa khá rõ, nhiều học sinh có lực học khá, giỏi lại không giải được những bài tập, những câu hỏi dành cho học sinh trung bình trở lên. Có lẽ trong quá trình được ôn thi theo kiểu tập trung vào những dạng đề khó như thế, các em đã bỏ qua những kiến thức cơ bản, những dạng bài tập đơn giản.
Theo cấu trúc đề minh họa trong Kỳ thi THPT quốc gia của Bộ GD-ĐT năm 2015 và tính chất đổi mới của kỳ thi năm nay, nếu như thầy cô giáo cứ áp dụng phương pháp ôn tập theo kiểu truyền thống, hàn lâm như trước sẽ vừa tạo ra nhiều áp lực cho học trò trước kỳ thi, vừa không đạt được mục tiêu đề ra. Hướng ra đề có sự phân hóa trình độ học sinh khá rõ nét như năm học này cho thấy các giáo viên cần có sự đổi mới trong cách ôn tập, định hướng ôn tập cho học sinh. Ở tất cả các bộ môn thi THPT Quốc gia, cần xác định phương pháp ôn tập phù hợp với trình độ người học và yêu cầu, mục tiêu đặt ra. Không nên đặt ra yêu cầu quá cao từ ban đầu mà phải ôn tập cho các em những kiến thức cơ bản nhất, sơ đẳng nhất, như vậy các em mới có những kiến thức nền tảng để giải quyết bất kỳ một dạng đề nào. Chẳng hạn, để làm tốt phần đọc - hiểu trong đề thi môn Ngữ văn, học sinh cần nắm được kiến thức tổng hợp về các phân môn như Tiếng Việt, Làm văn, Văn học. Những kiến thức như các phương thức biểu đạt trong văn nghị luận, các biện pháp tu từ, phép liên kết trong văn bản, xuất xứ của văn bản… cần được ôn tập và nắm vững một cách cơ bản. Hay trong môn Toán, học sinh từ mức trung bình trở lên cần giải được bài khảo sát hàm số để đạt 2 điểm, vốn là câu hỏi đơn giản nhất ở đề thi (thực tế, nhiều học sinh khá, giỏi đôi khi lại trả lời sai những dạng câu hỏi như vậy).
Cùng với việc nắm vững kiến thức cơ bản, giáo viên cần chú trọng rèn kỹ năng cho học sinh. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng để học sinh vận dụng trong bài làm. Đã có nhiều trường hợp học sinh có kiến thức nhưng lại đạt điểm thấp vì không có kỹ năng làm bài, trình bày không khoa học, lập luận chưa logic… Chẳng hạn, ở môn Ngữ văn, ngoài ôn tập kiến thức cơ bản, giáo viên cần rèn cho học sinh những kỹ năng cần có như kỹ năng tạo lập văn bản, tóm tắt văn bản, kỹ năng làm bài văn nghị luận… Có kỹ năng tốt đồng nghĩa với việc học sinh sẽ làm tốt tất cả các câu hỏi ở đề thi đã có sự phân hóa rõ ràng.
Với Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015, nhiều người cho rằng việc luyện thi có thể là vô ích. Điều đó không có nghĩa là khuyên các em không ôn gì mà nên ôn như thế nào để có hiệu quả cao. Việc “lao” vào đương đầu với những bài tập, dạng đề khó, hàn lâm sẽ không hiệu quả bằng việc học trò nắm chắc những kiến thức cơ bản, rèn tốt về kỹ năng, khả năng lập luận vấn đề. Đặc biệt, ở các môn khoa học xã hội, đề và đáp án đều ra theo hướng mở, học sinh sẽ đứng trước nhiều sự lựa chọn ở mỗi câu hỏi. Điều quan trọng là các em sẽ lập luận và thuyết phục người chấm về sự lựa chọn của mình. Giáo viên cần đưa ra những dạng đề với các câu hỏi có sự phân hóa về kiến thức để học sinh có thể làm tốt ở từng mức độ khác nhau.
Tạo tâm thế thật tốt và giảm áp lực trước kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 là điều mà các nhà trường cần quan tâm. Để làm tốt được điều này, phải bắt đầu ngay từ khâu dạy học và ôn tập ở mỗi môn thi.
Nguyễn Thế Lượng
Ý kiến bạn đọc