Multimedia Đọc Báo in

Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi: Chăm lo cho nền móng tương lai - Kỳ I: Khởi sắc giáo dục mầm non

09:01, 25/05/2015

Đề án Phổ cập giáo dục mầm non (PCMN) cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2011-2015 như “luồng gió mát” làm thay đổi cả lượng và chất của bậc học vốn chịu nhiều thiệt thòi. Đây là bước đột phá quan trọng để chuẩn bị những điều kiện tốt hơn cho các cấp học tiếp theo.

Kỳ I: Khởi sắc giáo dục mầm non

Đã có sự thay đổi trong nhận thức, do vậy từ khu vực thị tứ đến các thôn buôn, quy mô trường lớp học mầm non được củng cố, phát triển tạo môi trường học tập, vui chơi an toàn, lành mạnh cho trẻ, chất lượng giáo dục được nâng lên qua từng năm học.

Trường lớp mầm non mở tận thôn, buôn

Bà Võ Thị Phượng, Phó Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD-ĐT) khẳng định, Đề án phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi được thực hiện có tác động lớn, góp phần tạo nên “diện mạo mới” cho ngành học mầm non. Theo đó trường lớp, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ và giáo viên được đầu tư, mua sắm đáp ứng yêu cầu dạy-học. Sau 5 năm thực hiện Đề án, toàn tỉnh tăng 58 trường mầm non, 394 lớp, nâng tổng số trường mầm non lên 284 trường (247 trường công lập, 35 trường tư thục và 2 trường dân lập) với 2.944 nhóm lớp, trong đó có 1.386 lớp mẫu giáo 5 tuổi. Đặc biệt các lớp mầm non được mở tại các thôn, buôn tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động trẻ ra lớp.

Các cháu Trường Mầm non Búp Sen Hồng (xã Cư Đlêi M’nông, huyện Cư M’gar) trong giờ ra chơi.
Các cháu Trường Mầm non Búp Sen Hồng (xã Cư Đlêi M’nông, huyện Cư M’gar) trong giờ ra chơi.

Cùng với đó, các địa phương tập trung một khoản kinh phí rất lớn để đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa trường, lớp học; các công trình phụ trợ cho bậc học này nhằm đạt tiến độ PCMN. Cụ thể từ năm 2011-2015, toàn tỉnh đầu tư hơn 178 tỷ đồng xây dựng mới, cải tạo 553 phòng học, 56 bếp ăn, 86 công trình vệ sinh, 59 công trình nước sạch. Từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia và ngân sách tỉnh, đã mua sắm 230 bộ đồ dùng trong lớp, 185 bộ đồ chơi ngoài trời, gần 300 dàn máy vi tính với tổng trị giá hơn 58 tỷ đồng. Ngoài ra, 15 huyện, thị xã, thành phố đã đầu tư khoảng 120 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi phục vụ việc học của trẻ và giảng dạy của giáo viên. Với những nỗ lực trên, các trường mầm non đều được trang bị các thiết bị điện tử: ti vi, máy vi tính, đầu chiếu, phần mềm bé vui học… cho các lớp mẫu giáo 5 tuổi để hỗ trợ các hoạt động giáo dục. Chưa hết, ở nhiều trường phụ huynh còn tự nguyện mua sắm tranh ảnh, đồ dùng học tập phục vụ các hoạt động giáo dục có chủ đích. Ông Thái Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Ana - đơn vị đầu tiên trong tỉnh đạt chuẩn PCMN cho trẻ 5 tuổi chia sẻ: “Nhận thức rõ tầm quan trọng của PCMN cho trẻ 5 tuổi, sau khi UBND tỉnh phê duyệt Đề án, Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục huyện đã xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp tích cực, đồng bộ cho từng xã, thị trấn. Đặc biệt phòng GD-ĐT tham mưu đưa nhiệm vụ PCMN cho trẻ 5 tuổi vào nghị quyết hằng năm của Huyện ủy, HĐND huyện để từ đó kiểm tra, đôn đốc thực hiện, nhất là bố trí nguồn lực kịp thời “gỡ khó” cho các địa phương nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, huyện đã hoàn thành chương trình PCMN cho trẻ 5 tuổi sớm hơn một năm so với kế hoạch”.

Bảo đảm quyền được học tập cho trẻ 5 tuổi

Với sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng thuận cao của người dân, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp, duy trì sĩ số năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm học 2014-2015, toàn tỉnh có 89.392 trẻ học mẫu giáo, tăng 19.771 trẻ so với năm học 2010-2011, trong đó có 37.381 trẻ 5 tuổi (đạt tỷ lệ 98,1%), tăng 4.777 cháu. Trong điều kiện khó khăn, nhưng các trường đã tiết kiệm nguồn chi thường xuyên, đồng thời vận động phụ huynh đóng góp để xây dựng bếp ăn bán trú, công trình nước sinh hoạt, công trình vệ sinh… Đáng ghi nhận là ở một số vùng khó khăn, có trường tổ chức nấu cơm ở điểm chính  rồi chuyển tới các điểm lẻ để trẻ được ăn trưa tại trường, được học 2 buổi/ngày, góp phần giảm thiểu tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng. Nhờ đó năm học 2014-2015, bậc học mầm non có 69.353 trẻ ăn trưa tại trường, tại lớp (tỷ lệ 78,8%); 87.952 trẻ học 2 buổi/ngày (tỷ lệ 98,3%), trong đó trẻ 5 tuổi là 37.381 cháu (tỷ lệ 100%).

Các bé Trường Mẫu giáo Cư Pui (huyện Krông Bông) trong giờ học vẽ.
Các bé Trường Mẫu giáo Cư Pui (huyện Krông Bông) trong giờ học vẽ.

 Đáng phấn khởi, cùng với các tổ chức, mạnh thường quân, phụ huynh đã chung tay đóng góp tiền của, công sức, tạo điều kiện cho bậc học mầm non phát triển. Còn nhớ năm học 2012-2013, trong một lần về thăm Trường Mẫu giáo Hoa Pơ Lang (xã Dur K’măl, huyện Krông Ana) các đại biểu trong đoàn công tác của Sở GD-ĐT đã thốt lên rằng: “Ở nơi khó khăn mà phụ huynh vẫn rất quan tâm đến chuyện học của con em! Bất ngờ hơn khẩu phần ăn của mỗi bé, không chỉ có cơm, canh, thịt luộc hoặc cá kho mà còn thêm quả chuối hoặc chiếc bánh ngọt dành cho bữa lỡ”. Trò chuyện với đoàn công tác lúc ấy, thầy giáo Nguyễn Văn Nhẫn, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Ban đầu nhiều phụ huynh không đồng thuận việc cho con ăn tại trường, nhưng một thời gian ngắn thấy được lợi ích của việc học bán trú, các cháu có giấc ngủ trưa, ăn cơm đúng giờ, bảo đảm dinh dưỡng, hợp vệ sinh… nên phụ huynh yên tâm cho con ở lại trường”. Cô giáo Hoàng Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Cư Pui (huyện Krông Bông) cho biết: “Địa bàn rộng, dân cư sống không tập trung, đời sống của bà con khó khăn, vẫn còn tập tục lạc hậu… đã ảnh hưởng đến việc huy động trẻ ra lớp. Trước đây khi đến nhà vận động cho con em đến trường, không hiếm các bậc bố mẹ đã đóng cửa không tiếp với lý do: “Nó còn nhỏ mà học gì!” hay “Mình bận đi rẫy, không rảnh đưa nó đến lớp, nên cho đi làm cùng!”... Hầu hết phụ huynh chỉ cho con đến trường khi các cháu đến tuổi vào lớp 1. Nhưng từ năm học 2014-2015, nhờ có trường lớp khang trang, tổ chức ăn trưa cho trẻ tại trường, phụ huynh cho con đi học chuyên cần hơn”. Cũng theo cô Thu, phụ huynh cho con em đến trường một phần là nhờ chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ mẫu giáo (Thông tư liên tịch số 09, ngày 11-3-2013 của Bộ Giáo dục-Đào tạo, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ). Mức hỗ trợ 120.000 đồng/tháng/em không nhiều nhưng đã phần nào “chia sẻ” áp lực nuôi dưỡng với nhiều phụ huynh vùng sâu, vùng xa.

Thông tư số 36, ngày 6-11-2013 của Bộ GD-ĐT quy định: xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn PCMN cho trẻ 5 tuổi phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về trẻ em, giáo viên và cơ sở vật chất. Cụ thể: tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thấp còi đều dưới 10%; 100% giáo viên được hưởng chế độ chính sách theo quy định hiện hành; 100% giáo viên dạy lớp 5 tuổi đạt chuẩn trở lên về trình độ đào tạo, trong đó có 50% trở lên đạt trình độ trên chuẩn; phòng học lớp 5 tuổi được xây kiên cố hoặc bán kiên cố, trong đó phòng sinh hoạt chung bảo đảm diện tích tối thiểu 1,5 m2/trẻ; 100% lớp 5 tuổi có đủ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị tối thiểu theo quy định; trường học xanh, sạch, đẹp; có nguồn nước sạch và hệ thống thoát nước; có nhà bếp; công trình vệ sinh đủ và đạt yêu cầu; sân chơi có đồ chơi ngoài trời... Riêng đối với vùng đặc biệt khó khăn, vùng núi cao, hải đảo, tỷ lệ chuyên cần của trẻ phải đạt 80% trở lên; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thể thấp còi không quá 15%; 100% số trẻ em mẫu giáo 5 tuổi dân tộc thiểu số ra lớp được chuẩn bị tiếng Việt trước khi vào lớp 1...

(còn nữa)

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.