Multimedia Đọc Báo in

Tự hào trường huyện!

10:33, 02/06/2015

Lễ tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi (HSG) quốc gia và giáo viên (GV) có học sinh (HS) đoạt giải năm học 2014-2015 tổ chức đúng dịp kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại nhiều cảm xúc. Tên của  nhiều HS, GV đến từ các trường THPT ở vùng sâu, vùng xa trong tỉnh được xướng lên trên bục vinh danh trong niềm tự hào xen lẫn thán phục...

Vượt hơn 60 km đến tham dự Lễ tuyên dương, khen thưởng HSG quốc gia, thầy giáo Bùi Văn An, giáo viên Lịch sử, Trường THPT Trần Quốc Toản (thị trấn Ea K’nôp, huyện Ea Kar) không giấu niềm vui, thổ lộ: “Trường có 3 em dự thi thì cả ba đều đoạt giải. Khi nhà trường xây dựng chỉ tiêu phấn đấu, mỗi môn học có một HS đoạt giải, tôi khá lo lắng vì vài năm gần đây, HS không “mặn mà” với môn Sử lắm! Song tôi tự nhủ: muốn học trò yêu thích môn học, chủ động tìm tòi, khám phá kiến thức mình phải là người truyền lửa đam mê. Không dạy Sử theo cách “thầy đọc, trò chép”, không truyền đạt kiến thức chung chung mà phải cho các em thấy được yêu lịch sử chính là yêu quê hương, đất nước, yêu dân tộc”. Điều này được thầy An minh chứng bằng những nhân vật lịch sử cụ thể, điển hình là Bác Hồ kính yêu. Không chỉ giới thiệu cho HS về thân thế, sự nghiệp, mà thầy còn phân tích cặn kẽ cho HS hiểu rõ tấm gương đạo đức, ý chí, nghị lực của Người: “Với tinh thần ham hiểu biết và học hỏi, với tư duy độc lập sáng tạo, Bác đã sớm hình thành chí hướng lớn lao và quyết tâm tìm con đường đi cho cho riêng mình. Vì vậy, muốn học tập tốt, các em phải tự ý thức học tập Bác ở tính cần cù, chịu khó”. Ngoài ra, để HS hiểu rõ kiến thức môn Lịch sử và khẳng định niềm đam mê, thầy An còn cho các em trả lời các câu hỏi trắc nghiệm tâm lý, qua đó một lần nữa kiểm chứng sở thích của mình. Thực tế cho thấy, nếu chỉ dừng lại trong phạm vi của sách giáo khoa HS dễ chán nản, còn khi phân tích, mổ xẻ vấn đề có chiều sâu, gắn liền với thực tiễn cuộc sống HS yêu thích môn học này hơn.

Thầy và trò Trường THPT Hai Bà Trưng (thị xã Buôn Hồ) đang hoàn chỉnh sản phẩm tham dự Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh.
Thầy và trò Trường THPT Hai Bà Trưng (thị xã Buôn Hồ) đang hoàn chỉnh sản phẩm tham dự Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh.

Thầy giáo Lê Văn Luân, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Krông Năng) thì chia sẻ: “Điều kiện học tập khó khăn, nguồn HS giỏi khan hiếm, song qua công tác tuyển sinh, trường cố gắng chọn lọc một số HS có thành tích ở bậc THCS thành lập đội tuyển, phân công giáo viên có kinh nghiệm, tâm huyết bồi dưỡng. Hằng năm, nhà trường tổ chức đi học tập kinh nghiệm ở các trường bạn về công tác phát hiện, bồi dưỡng HSG”. Năm học 2014-2015 Trường có 1 HS giỏi quốc gia môn Vật lý và 1 HS đoạt giải Nhì quốc gia giải Toán trên máy tính cầm tay. Ở kỳ thi năm học 2013-2014, Trường cũng có 1 HS đoạt giải quốc gia. “Dẫu khá khiêm tốn, thành tích này đã mang về niềm vui lớn, niềm tự hào cho toàn trường. Nhiều em không đoạt giải, nhưng qua quá trình bồi dưỡng, khi thi đỗ vào học đại học, cao đẳng các em có khả năng nghiên cứu tốt hơn”, thầy Luân tự hào nói.

Sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm của các trường, cộng với nỗ lực của HS đã đem lại quả ngọt, năm học 2014-2015, Dak Lak có 35 em HS đoạt  giải HSG quốc gia, tăng 4 giải so với năm học 2013-2014, xếp thứ 7/34 tỉnh, thành từ Thừa Thiên Huế trở vào và đứng thứ Nhất trong 10 tỉnh của cụm thi đua khu vực Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Đáng tự hào trong đó có 8 HS của  6 trường THPT không chuyên. Cụ thể trường THPT Trần Quốc Toản đoạt giải 2 giải (gồm: giải Ba môn Địa lý, giải Ba và giải Khuyến khích môn Lịch sử), THPT DTNT N’Trang Lơng (Khuyến khích môn Địa lý), THPT Nguyễn Huệ (Khuyến khích môn Vật lý), THPT Cư M’gar (Khuyến khích môn Địa lý), THPT Ngô Gia Tự và THPT Phan Đình Phùng (Khuyến khích môn Ngữ văn). Như vậy, trong 5 năm (2010-2015), toàn tỉnh có 177 HS giỏi quốc gia, trong đó Trường THPT Chuyên Nguyễn Du đoạt 137 giải, còn lại 40 giải thuộc về 9 trường THPT không chuyên. “Thành tích trên khẳng định sự quan tâm của nhà trường trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, làm tốt công tác dạy học phân hóa, sớm phát hiện và bồi dưỡng các em có năng khiếu, phát huy năng lực và tinh thần trách nhiệm của các thầy cô giáo. Kết quả này cho thấy, muốn đạt kết quả học tập tốt cần nhiều yếu tố, nhưng mấu chốt vẫn là nỗ lực vượt khó, vươn lên của HS”, ông Nguyễn Hữu Quát, Trưởng phòng THPT (Sở GD-ĐT) khẳng định.

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, so với một số tỉnh có truyền thống ở khu vực phía Bắc và các thành phố trực thuộc Trung ương thì kết quả thi HS giỏi quốc gia của Dak Lak vẫn còn khiêm tốn. Số lượng HS giỏi quốc gia các môn học hằng năm có tăng nhưng chưa đồng đều, thiếu ổn định, chưa có HS đoạt giải Nhất; nhiều trường chưa có HS đoạt giải. Đây là điều trăn trở của nhiều cán bộ quản lý, giáo viên trực tiếp tham gia bồi dưỡng HS giỏi. Vì vậy, các trường cần bám sát kế hoạch trọng tâm, trọng điểm của ngành, trong đó tập trung tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhất là vùng đặc biệt khó khăn, duy trì bền vững chất lượng giáo dục mũi nhọn. “Tôi hy vọng trong năm tới, các trường sẽ phát hiện, bồi dưỡng thêm các HS giỏi nhiều hơn, chú trọng đến vùng nông thôn, miền núi nhiều hơn nữa”, bà Mai Hoan Niê Kdăm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh tại Lễ tuyên dương, khen thưởng HS giỏi quốc gia năm học 2014-2015.

Gia Nguyên 


Ý kiến bạn đọc