Multimedia Đọc Báo in

Năm học 2015-2016: Hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực, phẩm chất cho người học

15:59, 04/09/2015

Năm học 2015-2016, toàn tỉnh có khoảng 445.000 học sinh (HS) từ bậc mầm non đến trung học phổ thông, giảm gần 4.000 em so với năm học trước.

Đây là năm học thứ 2 thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Chương trình số 24 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, ngành giáo dục tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới đồng bộ hình thức tổ chức và phương pháp dạy học, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, trong đó tập trung nâng cao năng lực, phẩm chất cho người học.

Buổi học đầu tiên củahọc sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Du năm học 2015-2016.
Buổi học đầu tiên củahọc sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Du năm học 2015-2016.

Ông Phan Hồng, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý quyết định việc nâng cao chất lượng giáo dục, do đó cùng với tổ chức các lớp bồi dưỡng chính trị hè, Sở GD-ĐT đã tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyên môn, chuyên đề do các chuyên gia đầu ngành đến từ các trường đại học uy tín trong cả nước nhằm thay đổi nhận thức, hành động cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về định hướng đổi mới, nhất là đổi mới tiếp cận mục tiêu phát triển phẩm chất năng lực HS, định hướng dạy học tích hợp, liên môn, coi trọng đánh giá năng lực vận dụng sáng tạo, kỹ năng thực hành và năng lực giải quyết vấn đề của HS. Năm học 2015-2016, Sở GD-ĐT cũng yêu cầu  tăng cường hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng thực hành, ý thức trách nhiệm xã hội cho học sinh bên cạnh giáo dục văn hóa”. Theo đó Sở GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục áp dụng nhiều phương pháp dạy học mới ở bậc trung học phổ thông, triển khai rộng rãi mô hình trường học mới ở bậc tiểu học, trung học cơ sở tổ chức hiệu quả các cuộc thi dạy học theo hướng tích hợp liên môn, thi khoa học kỹ thuật đối với HS trung học... Không dừng lại kiến thức trong chương trình sách giáo khoa, các trường khuyến khích giáo viên khai thác các tình huống trong đời sống để tổ chức dạy học, rèn luyện và đánh giá HS; giờ học có thể diễn ra ở trong lớp, ngoài sân trường, vườn trường, tại các khu di tích lịch sử văn hóa, các địa điểm có liên quan đến nội dung học tập phù hợp với trình độ của HS theo từng chủ đề, thời gian cụ thể theo hướng mở gắn với thực tế, với những tấm gương sáng về đạo đức nhằm bồi dưỡng hình thành nhân cách, nhận thức cho HS. Điểm mới trong năm học 2015-2016, Sở GD-ĐT quyết định xét tuyển vào lớp 10, chỉ duy nhất Trường THPT Chuyên Nguyễn Du là thi tuyển, nhằm giảm áp lực thi cử cho học sinh, nhà trường, tạo sự công bằng trong giáo dục và đỡ tốn kém cho xã hội. Rõ ràng đã có sự thay đổi trong mục tiêu giáo dục từ học để thi cử sang học để hiểu, để làm.

Tuy nhiên hiện nhiều trường trong tỉnh chưa được đầu tư đồng bộ, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục toàn diện HS. Đây là điều đội ngũ quản lý toàn ngành trăn trở và sẽ tiếp tục tích cực tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, nhà hảo tâm để từng bước tháo gỡ khó khăn này. Một vấn đề nữa ngành cũng trăn trở trước thềm năm học mới là tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015 thấp hơn các kỳ thi trước (85,01%). Kết quả này phản ánh đúng chất lượng dạy học, song buộc đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên phải nhìn nhận lại để từ đó thay đổi phương pháp giảng dạy học từ truyền thụ kiến thức đơn thuần sang nâng cao năng lực, phẩm chất của người học - điều này có nghĩa phải gắn kiến thức môn học với thực tiễn đời sống, vận dụng kiến thức vào thực tế.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc