Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực học tập để đổi đời

07:52, 20/09/2015
Cùng đạt 27 điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua, hai nữ sinh người dân tộc thiểu số Đàm Thị Ngọc Anh và Đinh Thị Thùy Linh (học sinh lớp 12A2, Trường THPT Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng) là niềm tự hào của thầy cô và bà con buôn làng.

 Thủ khoa của trường

Từ khi biết tin Đàm Thị Ngọc Anh đạt điểm thi cao nhất trường, bà con buôn Dur, xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana) ai cũng mừng cho cô nữ sinh mồ côi mẹ, nhiều nghị lực này. Kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua, Ngọc Anh thi khối C đạt 27 điểm (Văn 8, Sử 9,5, Địa 9,5) cộng cả điểm ưu tiên khu vực và người dân tộc thiểu số, em đạt 30,5 điểm.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo, đông em nên Ngọc Anh luôn phấn đấu học tập để các em noi theo. Cách đây 6 năm, bất hạnh đổ xuống gia đình em khi mẹ mắc bệnh ung thư dạ dày. Để lấy tiền chạy chữa, bố bán sạch tài sản, vay thêm tiền ngân hàng lo thuốc men nhưng chỉ mấy tháng sau mẹ qua đời. “Năm mẹ mất, em đang học lớp 7, em út vừa tròn 6 tuổi. Một mình bố quán xuyến mọi việc, chăm sóc nuôi dạy 4 chị em. Thương bố, em định bỏ học nhưng bố một mực không cho. Bố nói, dù thế nào 4 chị em cũng phải ăn học đầy đủ”, Ngọc Anh nghẹn ngào kể. Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình mình, cô học trò người dân tộc Nùng hiểu rằng chỉ có học thật giỏi mới mong có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ý chí vươn lên của cô học trò nhỏ đã được đền đáp xứng đáng, suốt 12 năm học em luôn là học sinh khá giỏi, ngoan hiền được thầy cô thương, bạn bè mến. Không chỉ vậy, em còn giành Huy chương Đồng môn Lịch sử tại kỳ thi Olympic các tỉnh phía nam và giải Nhì học sinh giỏi cấp tỉnh năm học lớp 11.

Gia cảnh khó khăn nên Ngọc Anh chưa từng được đi học thêm mà tự học là chính. Em đặt mục tiêu cho từng môn, điểm số phải đạt được trong mỗi kỳ kiểm tra, đặc biệt dành thời gian nhiều hơn để ôn tập, giải các câu hỏi nâng cao cho các môn thi đại học. Ngọc Anh đã chọn nghề nghiệp sau này là trở thành một nữ cảnh sát. Em tiết lộ: “Ngoài yêu thích, em chọn trường công an bởi không muốn bố vất vả lo học phí trong thời gian em học xa nhà”. Ông Đàm Văn Đồ, bố Ngọc Anh cho biết: “Vợ chồng tôi vào đây lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, cuộc sống khốn khó đủ bề. Chúng tôi luôn mong con chăm chỉ học hành, biết tin con thi đạt điểm cao, tôi vui lắm, chỉ tiếc rằng mẹ cháu không còn để thấy thành quả của con”.

Gia sư của xóm nghèo

Tin Đinh Thị Thùy Linh đạt điểm cao trong kỳ thi THPT Quốc gia không khiến người dân thôn 1B, xã Ea Ô (huyện Ea Kar) ngạc nhiên bởi từ trước đến nay cô nữ sinh này luôn là học sinh giỏi, đạt nhiều thành tích cao trong học tập. Với 30,25 điểm (khối C: Văn 8, Địa 9,5, Sử 9,25 và 3,5 điểm ưu tiên khu vực,  người dân tộc thiểu số), cô học trò người dân tộc Tày Đinh Thị Thùy Linh là người có điểm số cao nhất xã từ trước đến nay.

Sinh ra trong gia cảnh nghèo khó, mẹ quanh năm bám rẫy, bố cạo mủ cao su nên Linh luôn lấy việc học làm đầu. 12 năm liền em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Từ năm học ở bậc trung học cơ sở, Linh đã sớm bộc lộ năng khiếu ở các môn xã hội và đạt nhiều thành tích: Năm học lớp 9 giành giải Nhì môn Văn cấp tỉnh, giành Huy chương Bạc môn Địa lý tại kỳ thi Olympic các tỉnh phía nam năm lớp 11 và giải Nhất học sinh giỏi cấp tỉnh  môn Địa lý năm lớp 12. Không chỉ vậy, Linh còn là gia sư giỏi của lũ trẻ trong xóm. Từ năm lớp 10, em đã mở lớp dạy học miễn phí tại nhà cho các em nhỏ. “Dịp hè, tối nào cũng có học sinh đến nhà học. Thấy con tiến bộ, nhiều phụ huynh mang tiền đến trả nhưng cháu nó không nhận mà chỉ dạy giúp”, bà Mạc Thị Dương, mẹ Linh cho biết.

Với kết quả đạt được, Linh đã trúng tuyển vào Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh. Nhận xét về hai học trò, cô Trương Thị Mai, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A2, Trường THPT Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng cho biết: Ngọc Anh và Thùy Linh đều là những học sinh chăm ngoan, học giỏi. Dù gia cảnh đều khó khăn nhưng các em luôn biết phấn đấu vươn lên và đạt nhiều thành tích cao trong học tập cũng như các kỳ thi. Kỳ thi THPT Quốc gia vừa rồi, cả hai em đều đạt điểm số cao và là thủ khoa khối C của trường.

 Hà Giang


Ý kiến bạn đọc