Multimedia Đọc Báo in

Chính sách tuyển dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức ngành Giáo dục: Vẫn còn nhiều bất cập (Kỳ II)

09:39, 20/10/2015

Kỳ II: Sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách

Quy mô trường lớp học trong tỉnh được mở rộng, cơ sở vật chất, trang thiết bị đầu tư khang trang, nhiều chương trình, dự án được đưa vào các bậc học nhằm thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, thế nhưng một số chính sách liên quan đến giáo dục chậm sửa đổi, bổ sung, không còn phù hợp với thực tế.

Nhân viên văn thư trường mầm non hạng I “ thấp thỏm”

Những ngày gần đây, không ít nhân viên văn thư tại nhiều trường mầm non hạng I trong tỉnh “thấp thỏm” vì có nguy cơ… mất việc. Nguyên nhân là theo quy định của Thông tư số 06, ngày 16-3-2015 của liên Bộ GD-ĐT, Nội vụ về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập thì định mức giáo viên của trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ được tăng lên nhưng lại giảm định mức nhân viên hỗ trợ, phục vụ (thực hiện nhiệm vụ kế toán, văn thư, y tế, thủ quỹ) của các trường mầm non hạng I từ 4 người xuống còn 2 người. Trong khi đó, theo Thông tư liên tịch số 71, ngày 28-11-2007 của liên Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ, thì nhà trẻ, trường mẫu giáo và trường mầm non hạng I được bố trí: 1 kế toán, 1 cán bộ y tế học đường và 1 văn thư. Như vậy, theo Thông tư 06, nhân viên văn thư của các trường mầm non hạng I dôi dư buộc phải “tinh giản”. Ông Đoàn Tử Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo chỉ ra một thực tế: “Từ năm học 2013-2014 đến nay, biên chế giáo viên bậc mầm non giữ ổn định. Hiện nay, các trường mầm non đang thiếu giáo viên do nhu cầu học bán trú (2 buổi/ngày) tăng, mặt khác theo quy định tại Thông tư 06, định mức người làm việc đối với bậc học mầm non tăng”. Để giải quyết số văn thư dôi dư (theo Thông tư 06), Phòng GD-ĐT huyện Ea H’leo đã động viên một số nhân viên văn thư trong diện bị “tinh giản” học thêm chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm mầm non để có thể tái bố trí việc làm. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế nhằm tạo điều kiện cho người lao động.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT cùng các đại biểu tham quan mô hình đồ dùng dạy học  tự làm bậc học mầm non năm 2015.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT cùng các đại biểu tham quan mô hình đồ dùng dạy học tự làm bậc học mầm non năm 2015.

Theo phản ánh của một số phòng GD-ĐT, trường mầm non hạng I ngoài điểm chính còn có các điểm lẻ, do đó nếu giao định mức 1 nhân viên kế toán kiêm văn thư sẽ khó hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bà Trương Thị Minh Nguyệt, Trưởng Phòng GD-ĐT TP. Buôn Ma Thuột đề xuất: “Tăng định mức giáo viên cho các trường mầm non là phù hợp, nhất là khi ngành Giáo dục đang nỗ lực hoàn thành chương trình Phổ cập Giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; đồng thời giữ nguyên vị trí nhân viên văn thư cho các trường như Thông tư 71. Nếu tăng định mức giáo viên nhưng lại giảm định mức nhân viên là không hợp lý. Mặt khác, ngành Giáo dục cũng không biết giải quyết số lao động dôi dư này như thế nào”.

Tuyển viên chức dân tộc thiểu số gặp khó khăn

Một trong những bất cập tiếp tục được địa phương nêu tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với UBND tỉnh về tình hình tuyển dụng, quản lý, điều động, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ngành Giáo dục từ bậc mầm non đến trung học cơ sở là: con em DTTS khó trúng tuyển trong kỳ thi viên chức ngạch giáo viên. Về vấn đề này, ông Nguyễn Kính, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: “Những năm trước, UBND tỉnh có cơ chế cộng 30 điểm cho thí sinh DTTS trong kỳ thi tuyển viên chức ngạch giáo viên. Nhưng sau đó, Bộ Nội vụ kiểm tra đã yêu cầu Sở Nội vụ và UBND tỉnh giải trình về chính sách ưu tiên này”. Hiện nay, việc tuyển dụng giáo viên được thực hiện theo Nghị định 29, ngày 12-4-2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Theo Nghị định này, thí sinh DTTS phải tham dự đủ các bài thi: kiến thức chung (tính hệ số 1) và thi chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành. Trường hợp có từ 2 người trở lên có kết quả thi bằng nhau thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng viên chức quyết định người trúng tuyển theo thứ tự ưu tiên như sau: Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động; thương binh; người hưởng chính sách như thương binh; con liệt sĩ; con thương binh; con của người hưởng chính sách như thương binh; người dân tộc ít người…

Để tạo điều kiện cho con em đồng bào DTTS, nhiều địa phương “linh động” ký hợp đồng tuyển dụng vào làm việc, sau 3 năm sẽ đưa vào diện xét tuyển đặc cách. Thế nhưng khi xét tuyển đặc cách, các em cũng rất khó trúng tuyển, bởi theo quy định của Bộ Nội vụ diện xét tuyển đặc cách không chỉ có đối tượng: người có kinh nghiệm công tác đang công tác trong ngành mà còn có đối tượng: Người tốt nghiệp đại học loại giỏi, tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ ở trong nước và ngoài nước, người có tài năng, năng khiếu đặc biệt…Với quy định này, dù thuộc diện xét đặc cách, thí sinh DTTS cũng khó trúng tuyển kỳ thi viên chức ngạch giáo viên. Đơn cử như tại huyện Ea H’leo trong kỳ thi tuyển viên chức ngạch giáo viên năm học 2013-2014, có 690 thí sinh tham gia dự tuyển, trong đó có 198 thí sinh DTTS (tỷ lệ 28,7%). Kết quả có 141 thí sinh trúng tuyển, DTTS là 26 người (18,4%). Hay như TP. Buôn Ma Thuột, tham dự kỳ tuyển dụng giáo viên mầm non năm 2013 có 472 thí sinh, trong đó có 124 thí sinh DTTS. Trong tổng số 220 thí sinh trúng tuyển, chỉ có 19 thí sinh DTTS trúng tuyển (trong đó diện đặc cách là 15 thí sinh, đại trà 4 thí sinh)… Việc tuyển dụng công chức, viên chức DTTS vào giảng dạy ở các trường công lập trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột còn thấp so với Nghị quyết Tỉnh ủy đề ra.

Bên cạnh những tồn tại trên, lãnh đạo một số phòng GD-ĐT đề nghị cần nâng chuẩn giáo viên bậc tiểu học (TH) và trung học cơ sở (THCS) khi xét tuyển nhằm nâng cao chất lượng. Cụ thể ưu tiên xét tuyển người có trình độ đào tạo từ cao xuống thấp (đại học, cao đẳng), còn lại mới xét tuyển những người có trình độ trung cấp (đối với bậc tiểu học) hay cao đẳng (đối với bậc THCS) thay vì theo quy định chuẩn giáo viên mầm non là có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm mầm non trở lên, giáo viên tiểu học tốt nghiệp trung cấp sư phạm TH trở lên; và giáo viên THCS tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên. “Hiện nay, các trường trung cấp không thi tuyển đầu vào, chất lượng đào tạo thấp, nhưng có điểm học tập cao, trong khi đó thí sinh có bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng sư phạm thì điểm học tập không cao, nên khó cạnh tranh trong xét tuyển, gây lãng phí chất xám”, ông Đoàn Tử Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo kiến nghị.

Góp ý cho công tác quản lý giáo dục thời gian tới, ông Y Khút Niê, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh lưu ý, UBND tỉnh cần chỉ đạo Sở GD-ĐT và Sở Nội vụ soát xét lại văn bản liên quan đến lĩnh vực Giáo dục còn chồng chéo về nội dung, văn bản chậm được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, ban hành cơ chế chính sách đặc thù trong tuyển dụng giáo viên DTTS và có văn bản gửi cho Đoàn đại biểu Quốc tỉnh. Trên cơ sở đó, Đoàn sẽ có ý kiến với các bộ, ngành chức năng và phản ánh trong kỳ họp Quốc hội thứ 10 sắp tới. Trước mắt, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tuyển dụng số giáo viên hợp đồng lâu năm, để họ yên tâm gắn bó với nghề.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc