Loay hoay tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp (kỳ cuối)
Kỳ cuối: Xoay xở tìm hướng đi
Không “ngồi yên chờ chết”, các trường TCCN trên địa bàn tỉnh đã tự cứu mình bằng cách đa dạng loại hình đào tạo, đổi mới công tác quản lý, chương trình đào tạo, đặc biệt là liên kết hợp tác với các doanh nghiệp, đơn vị nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề…
“Lấy ngắn nuôi dài”
Thạc sĩ Võ Ngọc Trịnh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế-Kỹ thuật Đắk Lắk chia sẻ: “Biết là khó, nhưng nhà trường vẫn không thôi hy vọng, kết thúc đợt tuyển sinh thứ 4 của các trường ĐH, CĐ, tình hình tuyển sinh vào trung cấp chuyên nghiệp sẽ khả quan hơn, nhưng số lượng HS đến nộp hồ sơ nhập học vẫn thưa thớt”. Trước tình hình trên, ngoài nhiệm vụ chính là liên kết đào tạo các bậc học từ trung cấp lên hệ chính quy, vừa làm vừa học, liên thông các ngành kinh tế - kỹ thuật… với các trường trường ĐH, CĐ và TCCN trên toàn quốc, nhà trường tổ chức đào tạo nghề ngắn hạn, như: sát hạch giấy phép lái xe hạng A1, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học và các chứng chỉ nghiệp vụ khác. Trung bình mỗi năm trường đào tạo, tổ chức thi giấy phép lái xe A1 cho khoảng 10.000 người. Năm học 2014-2015, Trung tâm Ngoại ngữ Tin học Pro thuộc trường có 639 học viên đăng ký học, đã cấp chứng chỉ cho 552 học viên. Năm 2015, trường tiếp tục mở các lớp sơ cấp nghề, như: nấu ăn dinh dưỡng, may công nghiệp, văn thư lưu trữ, điện dân dụng và công nghiệp, bán hàng - với hy vọng phương thức đào tạo ngắn hạn sẽ giúp nhà trường giải quyết phần nào khó khăn do tuyển sinh không đủ chỉ tiêu. Trong khi đó, Trường Trung cấp Đắk Lắk lại giải quyết bài toán thiếu nguồn tuyển bằng cách mở loại hình đào tạo với thời gian 1 năm nhằm thu hút học viên. Ông Võ Văn Chúng, Hiệu trưởng nhà trường nhận định: “Qua khảo sát và từ tình hình thực tế trong công tác tuyển sinh cho thấy, nhiều sinh viên có bằng ĐH, CĐ hoặc TCCN nhưng vẫn đăng ký học thêm bằng TCCN để thuận tiện cho việc tìm kiếm việc làm. Như vậy với việc mở thêm loại hình đào tạo 1 năm dự kiến có khoảng 100 HS đăng ký nhập học, tuy nhiên kết quả thế nào thì phải đợi đến cuối tháng 12-2015 - thời hạn cuối cùng của quy định tuyển sinh TCCN. Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, chủ động trong công tác tuyển sinh cụ thể, là đưa ra hình thức đào tạo 1 năm là “phao cứu sinh” cho trường”.
Học sinh ngành Quản lý đất đai của Trường Trung cấp Đắk Lắk đang đo đạc đất thực tế tại huyện Lắk. |
Đào tạo gắn với thực tiễn sản xuất
Tuyển sinh khó khăn là do nhiều nguyên nhân, nhưng theo nhận định của các trường mấu chốt là do học trung cấp xin việc khó, nên phụ huynh, HS không mặn mà. Do đó bên cạnh việc đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho HS, phụ huynh, bản thân các trường đã tự đổi mới về nhiều mặt nhằm cải thiện hình ảnh, chất lượng để thu hút người học. Thạc sĩ Lê Thị Kim Oanh, Trưởng Phòng Giáo dục Chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT) thẳng thắn nhìn nhận: “Mạng lưới, quy mô đào tạo TCCN trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người lao động và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đất nước. Song nguồn lao động có chất lượng đáp ứng yêu cầu xã hội còn hạn chế. Nguyên nhân một phần là do công tác đào tạo chưa có sự gắn kết chặt chẽ với thực tế sản xuất. Nhất thiết hoạt động đào tạo của các trường phải gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, chương trình đào tạo phải linh hoạt theo sự đa dạng ngành nghề trong sản xuất nhằm tạo ra các sản phẩm lao động có khả năng đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội”.
Không thể phủ nhận những nỗ lực của các trường TCCN trong việc liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, đơn vị trong những năm gần đây nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Nhưng rõ ràng vẫn còn một khoảng cách khá xa giữa đào tạo và thực tiễn, bằng chứng là nhiều HS hệ TCCN không đủ tự tin khi được phỏng vấn tuyển dụng; không đáp ứng được các yêu cầu nhà tuyển dụng; thậm chí được tuyển dụng nhưng chỉ làm việc vài tháng sau đã bỏ việc vì “ngợp”. Ông Dương Giang Nam, Giám đốc Công ty Cổ phần viễn thông Chi nhánh Đắk Lắk chia sẻ tại Hội thảo “Giải pháp liên kết đào tạo giữa nhà trường, đơn vị và doanh nghiệp” do Trường Trung cấp Đắk Lắk tổ chức vào giữa 12-2014: “Công ty chúng tôi thường xuyên phỏng vấn tuyển dụng cả HS TCCN, sinh viên đại học, nhưng hầu hết các em khó đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Qua công tác tuyển dụng cho thấy, kỹ năng giao tiếp của các em rất yếu, đi xin việc làm nhưng nhút nhát, khi tuyển dụng công ty chú trọng các kỹ năng này hơn là bằng cấp, hoặc điểm thi các em đạt được”. Ngoài các nguyên nhân trên, theo nhiều lãnh đạo trường TCCN việc phân luồng HS sau THCS của ngành GD-ĐT chưa đem lại hiệu quả. Phần lớn HS tốt nghiệp THCS đều theo học tại trường THPT, số còn lại học hệ bổ túc THPT tại các trung tâm GDTX nên các trường TCCN không còn nguồn tuyển sinh. Đơn cử như phân hiệu Trường Trung cấp Bách Nghệ Thanh Hóa chi nhánh Đắk Lắk năm 2015 tuyển 391 học sinh, nhưng không có HS tốt nghiệp THCS, hay tại Trường Trung cấp Đắk Lắk một số lượng không nhỏ HS nộp hồ sơ nhập học không đúng độ tuổi, có em sau nhiều năm nghỉ học mới xin vào học nghề hoặc đã tốt nghiệp ĐH, CĐ, TCCN không xin được việc làm, đi học nghề để có thêm cơ hội xin việc làm.
Rõ ràng, định hướng nghề nghiệp cho HS sớm sẽ giúp các em nhìn nhận đúng năng lực, sở thích để có sự lựa chọn ngành nghề phù hợp. Nhưng quan trọng hơn, chính là sau khi tốt nghiệp ra trường, với tấm bằng TCCN các em có thể tìm được một việc làm ổn định. Chọn trung cấp nghề thường là con em nhà nghèo, ở vùng sâu, vùng xa. Do đó, các trường TCCN cần năng động trong công tác đào tạo, cho “ra lò” những người thợ có tay nghề vững vàng, tác phong công nghiệp, đáp ứng nhu cầu công việc thực tế, có như vậy HS mới tín nhiệm, lựa chọn.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc