Những gia đình người dân tộc thiểu số hiếu học ở Bông Krang
Rất nhiều gia đình người dân tộc thiểu số (DTTS) ở xã Bông Krang (huyện Lắk) do nhiều nguyên nhân nên ít quan tâm đến việc học của con cái, dẫn đến tình trạng con em họ thất học. Tuy nhiên, tại đây vẫn còn có những gia đình hết mình vì “cái chữ” của con em...
Ở buôn Ja, xã Bông Krang ai cũng biết và tấm tắc khen vợ chồng ông Y Rin H’long (SN 1966) và bà H’Lim Teh (SN 1968), tên thường gọi là Ama Lanh và Amí Lanh khéo nuôi con cái ăn học trưởng thành. Sau khi lấy nhau (năm 1986), do gia đình 2 bên đều nghèo nên cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ cũng rất khó khăn. Nhìn 6 người con của mình lần lượt ra đời, vợ chồng ông vừa cảm thấy hạnh phúc nhưng cũng rất lo lắng bởi gánh nặng cơm áo sẽ thêm phần vất vả. Vừa công tác ở xã, tranh thủ chiều tối và những ngày nghỉ Ama Lanh cùng vợ cật lực khai hoang ruộng nương kết hợp chăn nuôi để phát triển kinh tế. Vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm nên từ chỗ kinh tế chật vật, đến nay vợ chồng ông đã có đồng ra đồng vào để nuôi con ăn học. Amí Lanh tâm sự: “Đầu tư cho các con ăn học cũng vất vả, nhiều khi nghe bà con trong buôn bảo bỏ ra cả núi tiền như thế thà để làm nhà cửa, làm vốn còn hơn. Nhưng thấy các con mình rất ham học nên vợ chồng tôi quyết tâm để các cháu được hơn cha mẹ cái chữ”.
Vợ chồng Ama Lanh bên căn nhà khang trang của mình. |
Không phụ sự kỳ vọng của cha mẹ, các con của ông bà đều học giỏi và chăm ngoan. Cô con gái đầu H’Lanh Teh (SN 1987) đã tốt nghiệp Trường Đại học Tây Nguyên (ĐHTN), hiện làm kế toán tại Trường THCS Quang Trung (xã Krông Nô). Người con trai thứ hai là Y Hinh Teh (SN 1990) đang là giáo viên của Trường THCS Hùng Vương (xã Nam Ka). Người con thứ ba Y Thức Teh (SN 1992) và thứ tư H’Mến Teh (SN 1996) hiện đang là sinh viên Khoa Sư phạm Trường ĐHTN. Người con thứ năm là H’Mẫn Teh (SN 2000) đang học ở Trường THPT Nội trú Nơ Trang Long (TP. Buôn Ma Thuột). Cậu con trai út Y Hiếu Teh (SN 2005) thì đang học tiểu học. Ama Lanh chia sẻ, ông luôn chú trọng đến việc nuôi dạy, học tập của con mình, rèn cho các con biết cách tự học theo một thời gian biểu hợp lý. Khi các con đạt thành tích cao trong học tập ông luôn động viên kịp thời. Ngược lại, khi con chưa đạt kết quả học tập tốt, ông không trách mắng nặng lời mà phân tích nguyên nhân, động viên khích lệ. Biết được cuốn sách nào hay ông cũng mua về cho các con tham khảo. Bên cạnh đó, ông còn thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với giáo viên chủ nhiệm để nắm bắt tình hình học tập của các con.
Cách nhà Ama Lanh không xa là gia đình ông Y Philip B’krông (SN 1966), cũng là một trong những gia đình hiếu học tại địa phương. Giống như nhiều gia đình người DTTS khác trong buôn, do sinh đông con nên cuộc sống gia đình Ama Mong (tên thường gọi của Y Philip B’krông) cũng khó khăn vất vả. Với mong muốn các con có được cái chữ để thoát nghèo, vợ chồng ông chăm lo làm ruộng rẫy kết hợp chăn nuôi để kiếm thêm thu nhập nuôi 4 người con ăn học. Người con gái đầu của ông là H’Hiền Teh (SN 1986, tên thường gọi là H’Mong) sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Y tế Đắk Lắk đã về làm điều dưỡng tại Trạm y tế xã Đắk Liêng. Cô con gái thứ hai là H’Hội Teh (SN 1998) đã tốt nghiệp sư phạm ngành Vật lý của Trường Đại học Quy Nhơn (ĐHQN). Cậu con trai thứ ba Y Gôl Teh (SN 1991) thì tốt nghiệp ĐHTN khoa Giáo dục thể chất và con gái út H’Hol Teh (SN 1994) đang là sinh viên năm cuối của Trường ĐHQN. Ama Mong tâm sự: “Khó khăn, cực khổ lắm nhưng cứ nghĩ đến việc các con được đi học là vợ chồng tôi lại quên hết mệt nhọc. Thời điểm gay go nhất là lúc 2-3 đứa con cùng học đại học, vợ chồng tôi phải tằn tiện lắm, chạy vạy vay mượn khắp nơi. Nhà có gì bán ra tiền cũng phải bán hết để gửi cho chúng trong suốt mấy năm liền”. Cứ như vậy, các con của ông cứ đứa này chưa kịp ra trường thì đứa kia lại vào. Nhiều năm qua, vợ chồng ông luẩn quẩn với nỗi lo, làm thế nào để có tiền cho các con học tới ngày ra trường. Giờ đây, các con đã tốt nghiệp thì ông bà lại lo lắng chuyện xin việc làm...
Khi được hỏi về “bí quyết” dạy con, Ama Mong thật thà: “Tôi không có bí quyết gì cả. Ngày trước do không được học hành nên tôi không có nhiều kiến thức để dạy con, vợ chồng tôi chủ yếu khích lệ động viên con là chính. Dù có bận rộn đến đâu thì chúng tôi cũng luôn sát sao động viên các con cố gắng học bài. Có những bài khó tôi đưa con đến tận nhà cô giáo bộ môn nhờ hướng dẫn”.
Có thể so với nhiều nơi khác, chuyện nuôi dạy con cái ăn học như thế là đơn giản, song đối với những gia đình DTTS tại một xã còn nhiều khó khăn như Bông Krang thì quả là một sự nỗ lực lớn mà không phải gia đình nào cũng đạt được. Nhiều gia đình ở xã Bông Krang thường lấy tấm gương gia đình Ama Mong, Ama Lanh để nuôi dạy và động viên con cháu phấn đấu, tu chí học hành...
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc