Trường Đại học Tây Nguyên cảnh báo, buộc thôi học hơn 1.000 sinh viên: Siết chặt chất lượng đào tạo
17:38, 02/11/2015
Việc Trường Đại học Tây Nguyên buộc thôi học và cảnh báo kết quả học tập học kỳ II năm học 2014-2015 đối với 1.041 sinh viên (SV) mới đây khiến không ít người "giật mình". Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ NGUYỄN TẤN VUI, Hiệu trưởng nhà trường để hiểu rõ hơn vấn đề này!
Tiến sĩ Nguyễn Tấn Vui, Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên. |
+Tại sao lại có sự tăng đột biến về số lượng SV buộc thôi học và cảnh báo kết quả học tập, thưa Hiệu trưởng?
Trên cơ sở xét kết quả học tập của SV, nhà trường buộc thôi học 415 SV và cảnh báo kết quả học tập 627 SV. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này, trước hết là do SV chưa nắm kỹ quy định số 43, ngày 15-8-2007 ban hành Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ (Quy chế số 43) của Bộ GD-ĐT. Theo Quy chế này, SV chủ động lên kế hoạch học tập. Căn cứ thông báo lịch trình học dự kiến cho từng chương trình trong từng học kỳ, danh sách các học phần bắt buộc và tự chọn dự kiến sẽ dạy, đề cương chi tiết, điều kiện tiên quyết để được đăng ký học cho từng học phần, lịch kiểm tra và thi, hình thức kiểm tra và thi đối với các học phần, SV đăng ký các môn học phù hợp theo khả năng và điều kiện học tập của bản thân. Mặc dù trao quyền quyết định cho SV, nhưng Quy chế 43 bắt buộc, điểm trung bình chung tích lũy tăng theo từng năm học. Cụ thể sinh viên năm thứ nhất phải đạt điểm trung bình tích lũy chung là 1,20 (điểm chữ); năm thứ 2 là 1,40; năm thứ 3 là 1,60 và 1,80 đối với SV những năm tiếp theo và cuối khóa. Những SV không đạt số điểm tích lũy trung bình chung theo quy định nhà trường sẽ nhắc nhở lần 1, lần 2. Và sau 2 lần nhắc nhở nếu không cải thiện sẽ buộc thôi học. Chính vì không nắm rõ quy định này, nhiều SV dù không thi lại môn học (học phần) nào nhưng vẫn bị buộc thôi học do không đạt điểm trung bình tích lũy chung theo quy định.
+Không nắm rõ Quy chế 43, không hẳn trách nhiệm thuộc về SV? Việc cải thiện điểm số học tập liệu có quá khó đối với các em?
Đúng vậy, việc nhiều SV buộc thôi học có một phần lỗi thuộc về nhà trường. Đó là chưa tuyên truyền, phổ biến sâu rộng giúp các em nắm vững Quy chế 43, mặc dù vào đầu năm học, nhà trường đều in và phát cho SV cuốn sổ tay quy chế học vụ (Quy chế 43), từng Khoa tổ chức phổ biến nội quy, quy chế cho SV. Đội ngũ cố vấn học tập (mỗi lớp 1 giáo viên phụ trách) chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong việc tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ các em xây dựng kế hoạch học tập phù hợp.
Sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên nghe phổ biến quy chế, nội quy năm học. Ảnh tư liệu. |
Việc cải thiện điểm số hoàn toàn không khó. Ví dụ học kỳ này thay vì đăng ký 6 học phần mới, SV chỉ nên đăng ký 2 học phần để tập trung thời gian học tập đạt điểm số cao. Theo Quy chế 43, điểm học phần làm tròn đến một chữ số thập phân, sau đó được chuyển thành điểm chữ: A (8,5-10)-giỏi, B (7,0- 8,4)-khá, C (5,5 - 6,9)-trung bình, D (4,0 - 5,4) - trung bình yếu, F (dưới 4,0) – kém). Đối với những học phần đạt điểm D, SV được quyền đăng ký học lại hoặc học đổi sang học phần khác để cải thiện điểm trung bình chung tích lũy. Như vậy, các em sẽ tiếp tục được học tập.
+ Đây không phải là năm đầu tiên, Trường đào tạo theo loại hình học chế tín chỉ, nhưng số lượng SV buộc thôi học không giảm qua các năm cho thấy những lỗ hổng trong công tác quản lý, ít nhiều gây lãng phí cho gia đình, xã hội?
Nhà trường cũng rất trăn trở khi buộc thôi học số SV. Sự “rẽ ngang” của các em là điều gia đình không mong muốn; còn nếu thi lại vào một trường đại học, cao đẳng nào đó thì theo tôi nghĩ chắc khó có khả năng đỗ. Thực ra, Quy chế 43 không quy định việc cảnh báo kết quả học tập, nhưng nhà trường đã linh động cảnh báo rất sớm để các em có sự điều chỉnh kế hoạch học tập, nhưng các em đã không nỗ lực, cố gắng để cải thiện kết quả học tập. Như đã nói ở trên, việc buộc thôi học đối với những SV không đủ số điểm tích lũy theo quy định là để nâng cao chất lượng đào tạo. Năm 2009, Trường bắt đầu đào tạo theo học chế tín chỉ và trong năm học này trường buộc thôi học 500 SV. Sàng lọc SV là quy luật hợp với xu thế đào tạo của thế giới. Tuyển sinh đầu vào đại học có thể “hơi dễ” nhưng trong quá trình đào tạo sẽ sàng lọc khắc khe, có như vậy mới có được nguồn nhân lực chất lượng cao. Năm học 2015-2016, nhà trường yêu cầu đội ngũ cố vấn học tập bám sát lớp được phân công, mỗi tháng sinh hoạt với lớp một lần (có văn bản gửi về khoa, Ban Giám hiệu nhà trường) để kịp thời tư vấn, hướng dẫn cho SV xây dựng kế hoạch học tập phù hợp với khả năng và điều kiện học tập của bản thân. Về phía SV, nhà trường mong mỏi các em nắm vững Quy chế 43 từ đó xác định động cơ, thái độ, ý thức học để nâng cao năng lực học tập qua mỗi học kỳ, mỗi năm học, chấm dứt suy nghĩ học tập theo kiểu “trung bình chủ nghĩa” như hình thức đào tạo theo niên chế, mỗi môn học chỉ cần thi đạt 5 điểm là đậu.
+ Xin cảm ơn Hiệu trưởng!
Nguyên Hoa
(thực hiện)
Ý kiến bạn đọc