Multimedia Đọc Báo in

"Vườn rau của em" – hiệu quả lớn từ phong trào nhỏ

08:41, 05/12/2015
Từ năm 2012 đến nay, mô hình “Vườn rau của em” đã được học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện M’Đrắk thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cải thiện đời sống và nâng cao ý thức yêu lao động của học sinh trong toàn trường.

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện M’Đrắk hiện có 150 học sinh theo học các lớp. Xuất phát từ tình hình thực tiễn, giờ giấc học tập cũng như sinh hoạt thường ngày của các em, nhà trường đã phát động nhiều phong trào hoạt động nhằm trang bị cho các em không chỉ về kiến thức mà còn cả những kỹ năng sống, trong đó phong trào trồng rau sạch đem lại hiệu quả cao nhất. Mô hình trồng rau được bắt đầu từ một nhóm học sinh và một cô giáo chủ nhiệm, đó là khi nhà trường cho đào ao để nuôi cá và thực hiện mô hình VAC (vườn - ao - chuồng) trong khuôn viên trường. Tận dụng số đất được múc lên làm ao nuôi cá, cô trò đã nảy sinh ý tưởng trồng rau để tự cung cấp cho bếp ăn của trường. Cứ thế việc làm nhỏ nhưng hiệu quả lớn, ý nghĩa và thiết thực nên phong trào đã lan rộng ra toàn trường. Trong năm học 2014-2015, mỗi quý, toàn trường thu được 2.500 kg rau sạch. Không những cung cấp nguồn rau sạch bảo đảm dinh dưỡng, mà còn góp phần tăng thêm nguồn thu nhập vào Quỹ Đoàn, Quỹ Đội, làm kế hoạch nhỏ, nuôi heo đất giúp bạn nghèo, xây dựng quỹ để phục vụ những sinh hoạt thường ngày của các em… Điển hình như khối lớp 6, nhờ việc trồng rau đã xây dựng Quỹ lớp lên tới 8,6 triệu đồng... Em H’Thương Hwing (học sinh lớp 7) hồ hởi nói: “Em và các bạn rất thích trồng rau ở khu nội trú. Các chi đội thi đua trồng, chăm sóc rau nên không khí lao động rất sôi nổi. Trồng rau giúp cho chúng em biết yêu lao động, đặc biệt là biết cách để nâng cao chất lượng cuộc sống và có thể về giúp gia đình mình trồng một vườn rau nho nhỏ…”.

Niềm vui của các em khi thu hoạch rau sạch từ sức lao động của mình.
Niềm vui của các em khi thu hoạch rau sạch từ sức lao động của mình.

Cô Đỗ Thị Loan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã xây dựng kế hoạch phân công chỉ tiêu cụ thể (mỗi chi đội thu được 6 triệu đồng tiền bán rau), xây dựng lịch lao động rõ ràng, có bảng chấm công, phân công theo dõi lẫn nhau, định kỳ hằng quý có báo cáo kết quả đánh giá nhận xét thông báo trước nhà trường. Hằng tuần các chi đội phối hợp với Đội cờ đỏ, cán bộ  bảo vệ thường xuyên kiểm tra, giám sát, bảo vệ vườn rau, gia súc phá hoại. Nhà trường còn có một kho dành cho mỗi lớp để dụng cụ lao động…

Hằng ngày, sau mỗi giờ học, giờ ra chơi các học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện M’Đrắk lại dành thời gian cho việc chăm sóc vườn rau với những công việc quen thuộc như: tưới nước, nhổ cỏ, bón phân, vun luống... Để phong trào được thực hiện hiệu quả, thầy cô giáo chủ nhiệm của các lớp đã cùng học sinh tham gia lao động, chỉ cho các em kỹ thuật chăm sóc rau đúng cách; đồng thời nghiên cứu phân chia thời gian gieo trồng phù hợp để có lượng rau liên tục thay đổi với nhiều chủng loại phong phú: rau cải, xà lách, rau dền, rau muống… Có khi số lượng rau trồng nhiều, bán không kịp, cô trò lại chia rau đem về nhà, như một thành quả từ chính sức lao động của mình. Cứ dịp cuối tuần mỗi học sinh về thăm nhà lại mang theo món quà giá trị là 1 kg rau sạch do chính tay các em trồng và chăm sóc. Ngoài ra, hằng tuần, trong tiết chào cờ và sinh hoạt lớp đều tuyên dương cá nhân, tập thể thực hiện tốt phong trào. Hình thức này đã cổ vũ, khích lệ học sinh hăng say lao động và rèn luyện tính tự giác cao.

Vườn rau xanh tốt không những tạo cảnh quan khuôn viên nhà trường thêm “xanh, sạch, đẹp”, góp phần cải thiện nâng cao đời sống vật chất cho các em học sinh vùng sâu, vùng xa đang học tập, sinh hoạt trong các trường nội trú, qua đó tạo môi trường giáo dục toàn diện. Mô hình “Vườn rau của em” do Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú M’Đrắk thực hiện đã được các trường trong Cụm thi đua đánh giá cao và được các trường học tập, nhân rộng.

 Thúy An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.