Phát triển giáo dục ngoài công lập góp phần đào tạo nguồn nhân lực
Đắk Lắk - vùng đất bazan với tiềm năng đa dạng, phong phú về tài nguyên, văn hóa, con người… đã và đang là điểm đến hấp dẫn của không ít nhà đầu tư, trong đó có lĩnh vực giáo dục-đào tạo (GD-ĐT). Sự phát triển mạnh mẽ của các trường ngoài công lập (NCL) mang lại nét tươi mới trong hệ thống giáo dục của tỉnh.
Đất lành chim đậu
Nhờ có chủ trương xã hội hóa giáo dục, hệ thống trường học NCL trên địa bàn tỉnh phát triển cả về quy mô và chất lượng, góp phần thực hiện phổ cập giáo dục, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh trong những năm gần đây. Điều này được khẳng định trong Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020: “Toàn tỉnh có 64 trường và cơ sở dạy nghề các cấp, hằng năm đào tạo khoảng 11 nghìn học sinh, sinh viên trình độ trung cấp trở lên và trên 23 nghìn học viên nghề, góp phần cung cấp nguồn nhân lực cho tỉnh và một số địa phương trong cả nước. Đến nay, có khoảng 50% lao động của tỉnh đã qua đào tạo (tăng 13%), trong đó 40% qua đào tạo nghề, tăng 11% so với năm 2010”.
Học sinh, sinh viên Trường Trung cấp Tây Nguyên. |
Để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào hoạt động giáo dục, UBND tỉnh luôn tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp được hưởng chính sách ưu đãi như: giao đất, cho thuê đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng; hỗ trợ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án đầu tư đã tự thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; được hưởng mức ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp… Ông Trần Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Buôn Ma Thuột cho biết: “Nhà trường luôn nhận được sự quan tâm của UBND tỉnh, các ngành chức năng về mọi mặt từ khâu thủ tục, giao đất, giấy phép hoạt động, mở mã ngành và xây dựng chương trình đào tạo…”. Ông Nguyễn Thái Bình, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Đam San nói: “Năm học 2015-2016, nhà trường chính thức đưa vào sử dụng cơ sở mới tại phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột), hiện tiếp tục đầu tư giai đoạn II trong khuôn viên rộng 4,5 ha do UBND tỉnh cấp để hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu đào tạo 8 mã ngành đã mở và dự kiến mở thêm 2 mã ngành: bảo vệ thực vật và chăn nuôi thú y trong năm học tới nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của một tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp”. Còn ông Nguyễn Đình Long, Hiệu trưởng Trường Tiểu học dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết: “Nhà trường được UBND tỉnh giao đất, miễn tiền thuê đất và hưởng mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định. Là trường dân lập đầu tiên được thành lập trên địa bàn tỉnh nên nhà trường còn được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí lập dự án, hồ sơ thiết kế và tạo điều kiện cho vay vốn để xây dựng cơ sở vật chất. Với cơ chế thông thoáng trên, chỉ sau 5 năm thành lập, nhà trường đã nhanh chóng phát triển, tạo được niềm tin đối với phụ huynh, xã hội”.
“Đón đầu” nhu cầu đào tạo nhân lực của xã hội
Với ưu thế tự chủ về tài chính, các trường NCL dành phần lớn nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ giảng dạy, liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, đơn vị nhằm đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm nghề nghiệp, nhất là đào tạo kỹ năng nghề nghiệp theo hướng ứng dụng thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật công nghệ của thị trường lao động trong nước và quốc tế. Đặc biệt, một số trường NCL sử dụng hiệu quả sức mạnh nội lực của đội ngũ cán bộ quản lý nhiều kinh nghiệm từ doanh nghiệp; kết hợp với sức mạnh ngoại lực của các chuyên gia đầu ngành về học thuật và nghiên cứu khoa học làm hạt nhân dẫn dắt đội ngũ giảng viên trẻ. Phó giáo sư, tiến sĩ Vũ Mạnh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Buôn Ma Thuột chia sẻ: Đại học Buôn Ma Thuột mở khoa Dược để đào tạo nguồn nhân lực dược, hướng tới mục tiêu đạt tỷ lệ 2,5 dược sĩ/1 vạn dân vì hiện nay Tây Nguyên vẫn là vùng có tỷ lệ dược sĩ thấp nhất trong cả nước. Tây Nguyên có tiềm năng về dược liệu, điều này thôi thúc những nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu về lĩnh vực này, đây sẽ là mũi nhọn về đào tạo của Trường Đại học Buôn Ma Thuột nhằm bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu quý, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh cho người dân”.
Sinh viên ngành Dược Trường Đại học Buôn Ma Thuột trong giờ thực hành. |
Lãnh đạo một số trường NCL thẳng thắn cho rằng, sự tồn tại và phát triển của trường tư thục là nhờ vào niềm tin của phụ huynh, học sinh. Vì vậy, các trường NCL chủ động đổi mới hoạt động để đạt mục tiêu giáo dục, đáp ứng sự mong đợi của phụ huynh, của xã hội, chuyển từ cạnh tranh bằng thành tích và điểm số sang hướng phát triển toàn diện kỹ năng, đặc biệt là ngoại ngữ cho học sinh. Bà Trần Thị Thiết, Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp Tây Nguyên, đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Victory thành lập tháng 10-2015 cho hay: “Trường Vicrory sẽ đào tạo song bằng, trước mắt là tiếng Việt và tiếng Anh, về lâu dài sẽ có thêm tiếng Hàn, Nhật... Năm học 2014-2015, Trường Trung cấp Tây Nguyên hợp tác với một số đơn vị tổ chức tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp khối ngành sức khỏe đi xuất khẩu lao động tại thị trường Hàn Quốc, Singapore… nhưng rất ít học sinh, sinh viên đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ. Tin rằng, với hình thức đào tạo song bằng từ bậc tiểu học sẽ giải quyết được bài toán nan giải về ngoại ngữ mà hầu hết học sinh, sinh viên hiện nay “gặp khó” khi tham gia các cuộc tuyển dụng”. Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Đình Long, Hiệu Trưởng Trường Tiểu học dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết: “Ngoài tổ chức giảng dạy đúng chuẩn kiến thức, kỹ năng theo quy định nhà trường tổ chức nhiều hoạt động giáo dục đa dạng, phong phú, thiết thực nhằm giúp học sinh phát triển toàn diện, nhất là đưa bộ môn tin học và ngoại ngữ vào giảng dạy nhằm tạo nền tảng vững chắc cho cuộc sống sau này của các em. Một công dân toàn cầu không thể thiếu hoặc yếu về ngoại ngữ, tin học. Để đạt được mục tiêu đào tạo trên, nhà trường đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để trong 2 hoặc 3 năm học tới, bắt buộc giáo viên dạy học Toán, môn khoa học bằng tiếng Anh cho học sinh”.
Mô hình đào tạo ngoài công lập đã và đang mang lại nhiều nét tươi mới trong hệ thống giáo dục của tỉnh. Ngày 6-1-2016, UBND tỉnh đã ban hành quy định về việc miễn, giảm tiền thuê đất đối với các dự án xã hội hóa thuộc lĩnh vực GD-ĐT, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các dự án xã hội hóa ngoài hưởng ưu đãi miễn giảm tiền thuê đất theo các quy định của pháp luật, còn được hưởng mức miễn giảm tiền thuê đất theo chính sách khuyến khích xã hội hóa của tỉnh. Cụ thể, khu vực các xã thuộc TP. Buôn Ma Thuột được miễn 25 năm tiền thuê đất, hết thời hạn được miễn, thì được giảm 85% tiền thuê đất cho thời gian thuê đất còn lại; khu vực các phường thuộc TP. Buôn Ma Thuột được miễn 25 năm tiền thuê đất, hết thời hạn thì được giảm 70%. Với chính sách mới này sẽ góp phần tăng sức hấp dẫn, thu hút trong việc kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa, tháo gỡ khó khăn về xây dựng trường học, cơ sở đào tạo hiện nay trong khi nguồn vốn ngân sách Nhà nước hạn chế, góp phần thực hiện thành công chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT.
Thành phố Buôn Ma Thuột được Trung ương xác định phấn đấu để trở thành đô thị trung tâm vùng trong một vài năm tới, vì vậy việc phát triển hệ thống GD-ĐT ở địa phương một cách nhanh chóng có ý nghĩa quan trọng góp phần đạt được mục tiêu trên. Trong những năm qua, với chính sách thu hút của tỉnh và sự lựa chọn sáng suốt của nhà đầu tư, hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ, riêng hệ trung cấp chuyên nghiệp có 8 trường và 2 phân hiệu, trong đó 50% là trường NCL, đào tạo 52/54 mã ngành do Bộ GD-ĐT quy định, còn bậc đại học Chính phủ quyết định thành lập trường Đại học Buôn Ma Thuột - trường đại học tư thục thứ 2 ở khu vực Tây Nguyên.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc