Multimedia Đọc Báo in

Hội thi đồ dùng đồ chơi ngành học Mầm non năm học 2015-2016: Nhiều sáng tạo độc đáo

09:00, 05/04/2016

108 bộ đồ dùng đồ chơi (ĐDĐC)tự làm của 15 phòng GD-ĐT và Trường Thực hành Sư phạm Hoa Hồng (Trường Trung cấp Sư phạm Mầm non Đắk Lắk) trưng bày tại Hội thi ĐDĐC tự tạo ngành học Mầm non cấp tỉnh năm học 2015-2016 là tâm huyết, tình cảm của thầy, cô giáo mầm non.

Đó là những sáng tạo độc đáo như chiếc mũ xinh xắn, ngộ nghĩnh được kết hợp bằng vỏ hộp sữa chua và giấy gói quà; hộp sữa chua làm bồn nước rửa tay, hộp sữa tươi làm đoàn tàu chuyển bánh, ống nhựa gãy làm cây xanh, vỏ chai làm chú chim v.v… Mỗi sản phẩm gắn liền với tình hình thực tế giảng dạy của từng cơ sở giáo dục mầm non, phù hợp với mỗi chủ đề giáo dục và chỉ có yêu nghề, mến trẻ mới thôi thúc tìm tòi, sáng tạo. Điều này được ông Bùi Hữu Thành Cát, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định tại lễ tổng kết, trao thưởng hội thi: “Tất cả ĐDĐC đều do các giáo viên mầm non tự nghiên cứu, xây dựng ý tưởng, tìm nguyên vật liệu, trực tiếp làm ra. So với các hội thi trước, ĐDĐC lần này có nhiều đổi mới, sáng tạo, được thiết kế công phu, tinh xảo, đa dạng về chủng loại, phong phú về thể loại, chất liệu. Đặc biệt nhiều bộ ĐDĐC có sự liên kết, áp dụng nhiều môn học, đề tài”.

Gian trưng bày đồ dùng, đồ chơi của Phòng GD-ĐT huyện Krông Ana thu hút  sự quan tâm của các cô giáo mầm non.
Gian trưng bày đồ dùng, đồ chơi của Phòng GD-ĐT huyện Krông Ana thu hút sự quan tâm của các cô giáo mầm non.

Xuất sắc vượt qua hơn 3.000 nghìn ĐDĐC cấp trường, bộ sản phẩm “Chiếc hộp đa năng và cờ muông thú” của Phòng GD-ĐT thị xã Buôn Hồ được Ban tổ chức Hội thi chọn tham dự triển lãm ĐDĐC toàn quốc diễn ra tại TP. Nha Trang vào tháng 6 tới. Bộ sản phẩm này tích hợp 6 bài tập, áp dụng được nhiều môn học, đề tài, chủ đề, sử dụng nhiều lần trong các hoạt động khác nhau giúp trẻ làm quen với chữ cái, làm quen với Toán như: đếm số lượng, hình khối, màu sắc; nhận biết về thời gian, thời tiết, mùa… Qua mỗi bài tập giúp các cháu ghi nhớ, quan sát, tư duy. Thầy Lý Huỳnh Chí Đạt, Trưởng lớp Mầm non Tư thục Họa Mi (phường An Bình, thị xã Buôn Hồ) tác giả của bộ sản phẩm độc đáo trên cho biết: “ĐDĐC cho từng môn học, từng chủ đề một số trường đã làm, song khó tạo hứng thú cho trẻ, do đó tôi nảy ra ý tưởng tích hợp lại trong một chiếc hộp nhằm kích thích sự tò mò, khám phá của trẻ”.

Không có nhiều bộ ĐDĐC mới lạ, độc đáo, nhưng các bộ đồ dùng phát triển vận động, mô hình “Khu du lịch sinh thái”, mô hình “Sự tích Hồ Gươm”... của Phòng GD-ĐT huyện Krông Ana thu hút sự chú ý của Ban tổ chức và đại biểu bởi sự tỉ mỉ, khéo léo. Cô Nguyễn Thị Tính, Trường Mầm non Ea Tung (xã Ea Na, huyện Krông Ana) tác giả của nhiều bộ ĐDĐC nói: “Trong số các sản phẩm dự thi, tôi tâm đắc với bộ sản phẩm phát triển vận động, vì mất khá nhiều thời gian tìm kiếm những quả bầu hồ lô khô, rồi cắt làm đôi để trẻ múc nước đổ vào bình”. Không dừng lại ở trò chơi “Múc nước đổ vào bình”, cũng với những vật dụng này, cô Tính còn làm thêm đôi quang gánh để trẻ chơi trò “gánh nước qua cầu đổ vào bình”, được nghịch nước nên trẻ rất hứng thú. Nhìn cô giáo Tính thực hiện các trò chơi và say sưa trình bày ý tưởng chế tạo ĐDĐC trực quan sinh động mới thấy hết tâm huyết, trăn trở với nghề.

Là giáo viên trẻ, cô La Thị Thảo, Trường Mẫu giáo Hoa Cúc (xã Đắk Nuê, huyện Lắk) đến hội thi với tinh thần giao lưu học tập kinh nghiệm. Song không thua kém, cô Thảo cũng đem đến nhiều ĐDĐC được làm từ vật liệu phế thải. Đơn cử như để làm bộ đồ dùng “Phát triển thể chất”, cô Thảo đã tận dụng vỏ lon sữa tạo thành vật cản cho trẻ tham gia trò chơi vận động; ở hoạt động khác những vỏ lon sữa này trở thành chiếc trống cơm, dụng cụ đi cà kheo, ném bóng… Cô Thảo thổ lộ: “Ở trường vùng sâu, vùng xa, việc huy động phụ huynh đóng góp mua ĐDĐC rất khó, bản thân giáo viên cũng không có tiền để mua. Giáo viên tự tìm kiếm những vật dụng bỏ đi, tranh thủ lúc các cháu ngủ trưa, hoặc đem về nhà làm vào buổi tối, hôm sau trẻ có ĐDĐC”.

Hội thi ĐDĐC tự tạo bậc học Mầm non cấp tỉnh năm học 2015-2016 khép lại với nhiều giải thưởng ghi nhận ý thức, trách nhiệm, sự sáng tạo của đội ngũ giáo viên mầm non. Hội thi là ngày hội đua tài, tăng cường giao lưu, học tập kinh nghiệm trong thiết kế đồ dùng dạy học, từ đó làm ra nhiều sản phẩm hữu ích, tạo niềm vui, sự hào hứng cho trẻ vui chơi, học tập.

 Gia Nguyên 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.