Khuyến khích phát triển các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ huy động trẻ dưới 36 tháng tuổi ra lớp đạt 20%. Song mục tiêu này khó hoàn thành nếu không thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, nhất là đối với bậc học mầm non, trong đó có các nhóm, lớp trẻ dưới 36 tháng tuổi.
Tỷ lệ trẻ dưới 3 tuổi ra lớp thấp
Ngày 9-7-2013, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 94/2013/NQ-HĐND về quy hoạch phát triển GD-ĐT giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2025 đặt mục tiêu đến năm 2015 tỷ lệ trẻ dưới 3 tuổi đến nhà trẻ đạt 15% và đến năm 2020 đạt 30%. Cuối năm 2015 HĐND tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết số 172/2015/NQ-HĐND quy định phân cấp, cơ cấu nguồn vốn đầu tư xây dựng trường học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Theo nghị quyết trên, trừ TP. Buôn Ma Thuột, mỗi huyện (tùy khu vực) được ngân sách đầu tư 1,2 tỷ đồng đến 1,7 tỷ đồng/năm để xây dựng mới; cải tạo, nâng cấp và cải tạo cơ sở giáo dục mầm non công lập. Nhờ đó, đến năm 2015 mạng lưới trường lớp mầm non được phủ kín đến tận thôn, buôn, với 95% thôn, buôn có điểm trường hoặc lớp mẫu giáo, tăng 10,7% so với năm 2010.
Giờ ra chơi của các bé Trường Mầm non tư thục Họa Mi (TP. Buôn Ma Thuột). |
Để phát triển ngành học mầm non, bên cạnh thực hiện tốt các chính sách ưu đãi của Trung ương đối với trẻ em, giáo viên và cơ sở giáo dục mầm non, tỉnh Đắk Lắk còn ban hành chính sách ưu đãi về: đất đai, tín dụng, thuế… nhờ đó hệ thống giáo dục mầm non tư thục trên địa bàn phát triển nhanh, nhất là khu vực TP. Buôn Ma Thuột và trung tâm các huyện, thị xã, thành phố. Chất lượng một số trường mầm non tư thục được nâng cao, nhiều trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I. Bà Võ Thị Phượng, Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD-ĐT) chia sẻ: “Dù số trường mầm non công lập và tư thục sau mỗi năm tăng lên đáng kể, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Hiện còn nhiều phụ huynh phải gửi trẻ tại các nhóm, lớp tư thục, trong đó có những nhóm, lớp tự phát chưa được cấp phép, không bảo đảm điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, có nguy cơ mất an toàn cho trẻ”. Vụ cháu bé hơn 2 tuổi bị tai nạn ở nhóm trẻ tự phát tại phường An Bình (thị xã Buôn Hồ) dẫn đến tử vong là tiếng chuông cảnh báo để chính quyền địa phương, các cấp, ngành quan tâm hơn đến công tác quản lý, tư vấn và hỗ trợ chuyên môn trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ tại các nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục (mầm non tư thục) trên địa bàn tỉnh.
Đảm bảo an toàn cho trẻ
Đến cuối năm 2015, tỷ lệ huy động trẻ dưới 3 tuổi ra lớp của tỉnh mới đạt 9,8%, trong khi đó tỷ lệ bình quân chung của cả nước là 20%. Thực tế, tỷ lệ này cao hơn nhưng vì các cấp chính quyền ở cơ sở chưa quản lý được các nhóm trẻ, cơ sở trông, giữ trẻ tự phát... tại các nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục. Nguyên nhân là do người dân chưa nắm được chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển giáo dục mầm non; mặt khác một số cơ sở giữ trẻ tự phát này không muốn liên hệ với chính quyền địa phương và ngành chức năng để được hướng dẫn cấp giấy phép hoạt động, hỗ trợ về chuyên môn.
Giờ học hát của cô và bé Trường Mẫu giáo Họa Mi (xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc). |
Trước thực trạng trên, Sở GD-ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND, ngày 1-4-2016 về việc tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ trong các nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị khẳng định chủ trương khuyến khích phát triển các nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn. Chính quyền địa phương, ngành Giáo dục tạo điều kiện cấp giấy phép hoạt động, hỗ trợ bồi dưỡng nghiệp vụ; kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các trường, cơ sở tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho trẻ. UBMTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức đoàn thể tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động giáo dục, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục để phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những sai phạm.
Những năm qua các điểm, nhóm, lớp mầm non độc lập tư thục trên địa bàn tỉnh đã đóng góp một phần không nhỏ trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ, nhất là trong điều kiện ngân sách Nhà nước chưa đáp ứng nhu cầu đưa trẻ dưới 3 tuổi tới trường của nhân dân, giảm bớt tình trạng quá tải trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Nguồn lực này đã phần nào giúp các địa phương giải quyết bài toán khó khăn về cơ sở vật chất trường học, góp phần hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi theo đúng kế hoạch. “Phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập có ý nghĩa xã hội lớn, một mặt tránh lãng phí nguồn nhân lực, giúp bố mẹ yên tâm gửi con để hết lòng vì công việc, quan trọng hơn trẻ đến lớp được nuôi dạy, chăm sóc chu đáo, bài bản hơn. Nếu các cấp chính quyền tăng cường công tác quản lý cấp phép hoạt động, ngành Giáo dục được cung cấp thông tin một cách đầy đủ để có biện pháp hỗ trợ, tư vấn và quản lý về chuyên môn, thì đây là nền tảng quan trọng duy trì bền vững kết quả công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi ”, ông Thái Văn Tài, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định.
Theo quy định, điều kiện để mở một nhóm trẻ là người chăm sóc trẻ có đủ sức khỏe, không mắc bệnh truyền nhiễm, đủ năng lực chịu trách nhiệm dân sự và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em. Cơ sở vật chất đảm bảo các điều kiện tối thiểu như: phòng nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ có diện tích tối thiểu là 15 m2; bảo đảm an toàn, thoáng, mát, đủ ánh sáng, sàn nhà láng xi măng, lát gạch hoặc gỗ, có cửa ngăn cách với các khu vực khác… Cá nhân có văn bản đăng ký hoạt động nhóm trẻ gửi UBND cấp xã, phường, thị trấn, trong đó nêu rõ các điều kiện trên và cam kết đảm bảo an toàn cho trẻ tại nhóm trẻ. |
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc