Kỳ thi THTP quốc gia năm 2016: Ôn tập có hiệu quả nhưng không gây quá tải
Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015, tỷ lệ học sinh (HS) đỗ tốt nghiệp của tỉnh hệ THPT là 87,97%, hệ bổ túc THPT là 64%, thấp hơn so với các kỳ thi trước. Đây là nỗi lo đối với các trường THPT, Trung tâm GDTX trước mùa thi năm 2016.
Định hướng việc học từ đầu năm
Năm học 2014-2015, tỷ lệ HS đỗ tốt nghiệp của Trường THPT Trần Hưng Đạo (xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông) là 58%. Đáng nói trong số 70 HS rớt tốt nghiệp có 64 HS bị điểm liệt môn Toán. Ông Dương Kim Thạch, Hiệu trưởng nhà trường lý giải: “Các kỳ thi trước, HS thi tốt nghiệp tại trường, còn kỳ thi THPT quốc gia năm 2015-lần đầu tiên thi tập trung với 2 mục đích vừa tốt nghiệp, vừa xét tuyển ĐH, CĐ nên ít nhiều ảnh hưởng tâm lý, kết quả làm bài. Xác định rõ nguyên nhân, từ đầu năm học 2015-2016 trường tổ chức họp phụ huynh HS lớp 12 để thống nhất: tăng tiết phụ đạo trong giờ chính khóa nhằm bảo đảm 100% HS theo học; tăng tiết ôn tập các môn học tự chọn thi THPT quốc gia nhằm bổ sung kiến thức; đặc biệt tổ chức khảo sát chất lượng môn Toán”. Sau khi có kết quả kiểm tra, trường chia HS theo nhóm điểm, tổ chức phụ đạo từ tháng 9 cho đến ngày thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Kết thúc học kỳ I, trường tổ chức khảo sát chất lượng môn Toán lần thứ 2, kết quả cho thấy tỷ lệ HS bị điểm liệt môn học này giảm đáng kể. Tiếp đó, trường cho HS đăng ký môn thi theo nguyện vọng, đồng thời khuyến khích các em mua tài liệu ôn tập. Giáo viên hướng nghiệp, giáo viên chủ nhiệm căn cứ vào kết quả học tập học kỳ 1 năm học 2015-2016 của HS để tư vấn chọn cụm thi, chọn trường phù hợp.
Học sinh Trung tâm GDTX huyện Cư M'gar trong giờ tự ôn tập. |
Với Trường THPT Dân tộc Nội trú Nơ Trang Lơng, ngoài tập trung nâng cao chất lượng dạy - học, trường chú trọng tuyên truyền cho phụ huynh và HS lớp 12 những thông tin cần biết về kỳ thi; nhấn mạnh việc cân nhắc lựa chọn môn thi, cụm thi phù hợp với năng lực, tránh tình trạng chủ quan chỉ tập trung vào các môn xét tuyển ĐH, CĐ mà để rớt tốt nghiệp. Thầy Nguyễn Kim Anh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia được ráo riết bắt đầu ngay từ đầu năm học. Bên cạnh giảng dạy kiến thức đúng theo phân phối chương trình, trường chủ động tăng tiết, quản lý tốt thời gian tự học của các em vào các buổi tối tại trường, bố trí giáo viên có kinh nghiệm, phân HS theo đối tượng, theo nhu cầu về chọn môn thi để tổ chức ôn tập.
Tận dụng tối đa thời gian ôn tập
Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2016 trên địa bàn tỉnh có 2 cụm thi: cụm thi ĐH do Trường Đại học Tây Nguyên chủ trì và cụm thi tốt nghiệp do Sở GD-ĐT phối hợp với Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk chủ trì. Qua thăm dò bước đầu, toàn tỉnh có 14.282 HS đang học lớp 12 đăng ký dự thi tại cụm thi Đại học Tây Nguyên, 5.672 HS đăng ký thi tại cụm thi địa phương, tăng khoảng 1.000 em so với kỳ thi năm 2015. Hiện chưa có chính xác tỷ lệ HS đăng ký các môn thi tự chọn, nhưng cơ bản HS chọn 4-5 môn để thi. Theo phản ánh của lãnh đạo một số trường, tình trạng chọn nhiều môn thi để tăng khả năng trúng tuyển khi xét tuyển ĐH, CĐ được hạn chế. Các em nắm vững mục đích, những điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, nên đã có sự chuẩn bị tích cực về tâm thế học tập, thi cử. Em Nguyễn Hoàng Anh, lớp 12A4 (Trường THPT Trần Hưng Đạo, xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông) cho biết: “Em thi ngành Luật kinh tế, Trường Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, nên dồn sức học 4 môn Ngữ văn, Toán, Vật lý, tiếng Anh. Ngoài học thêm 3 môn Toán, Vật lý, tiếng Anh do các thầy, cô giáo trong trường dạy, em còn tải đề thi năm trước của các trường để nâng cao khả năng vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề”.
Theo ông Nguyễn Hoa Nam, Trưởng Phòng Khảo thí, kiểm định chất lượng giáo dục - Công nghệ thông tin (Sở GD-ĐT), từ đầu năm học 2015-2016 Sở đã chỉ đạo các trường THPT, trung tâm GDTX tiếp tục đổi mới phương pháp dạy-học: phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học và vận dụng kiến thức, kỹ năng của HS theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của người học; tổ chức tốt việc dạy học phân hóa đến từng đối tượng HS; đa dạng hóa các hình thức học tập; đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất. Với những HS học lực yếu, cần tăng cường phụ đạo để tự tin bước vào kỳ thi sắp tới. Còn với những HS khá, giỏi có thể hướng dẫn cách luyện giải các phần đề nâng cao. Sở GD-ĐT yêu cầu các trường tổ chức ôn tập cho các em theo hướng bám sát đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT, xu hướng ra đề thi “mở” gần đây để giúp các em ôn tập tốt.
Tỷ lệ tốt nghiệp không phải là tiêu chí để xếp loại thi đua nhưng là thước đo đánh giá chất lượng đào tạo, vì vậy từng HS, giáo viên, nhà trường cần nỗ lực trong công tác dạy học để đạt kết quả như mong muốn. Ông Nguyễn Hoa Nam cho rằng, thời điểm này việc tự ôn tập, hệ thống lại kiến thức và hoàn thiện kỹ năng làm bài cần đặc biệt được chú trọng để giúp HS bước vào kỳ thi tự tin hơn. Các trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn thống nhất với HS và phụ huynh để sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý, bảo đảm sức khỏe của HS, ôn tập có hiệu quả nhưng không gây quá tải.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc