Multimedia Đọc Báo in

Một ngôi trường làm tốt công tác giảng dạy tiếng Êđê cho học sinh

06:10, 10/04/2016
Trường Tiểu học Lê Văn Tám (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar) có 12 lớp với 277 học sinh, trong đó trên 98% học sinh là người dân tộc Êđê. Vì vậy, công tác giảng dạy tiếng Êđê luôn được nhà trường quan tâm, chú trọng thực hiện nhằm giúp các em học sinh người Êđê biết quý trọng, có ý thức giữ gìn tiếng nói, chữ viết, những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Trường Tiểu học Lê Văn Tám bắt đầu đưa vào giảng dạy  Chương trình tiếng Êđê từ năm học 2008-2009. Do điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, sách giáo khoa chưa đáp ứng yêu cầu, đội ngũ giáo viên chưa được đào tạo về nghiệp vụ, thiếu kinh nghiệm giảng dạy tiếng Êđê nên nhà trường chỉ mới thử nghiệm đưa vào giảng dạy 2 tiết một tuần ở cả 3 khối lớp 3, 4 và 5. Những hạn chế dần dần được khắc phục. Từ năm học 2009-2010 đến nay, nhà trường đã nâng lên giảng dạy tiếng Êđê 4 tiết một tuần, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Hình thức giảng dạy môn tiếng Êđê cũng tương tự như môn Tiếng Việt với nội dung học bao gồm các phần như: học âm vần, luyện từ và câu, làm văn, dịch bài văn hoặc đoạn văn... Không khí học tập trong giờ học tiếng Êđê rất sôi nổi, phấn khởi, nhiều em mạnh dạn phát biểu xây dựng bài. Thầy Y Thi Byă, giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm dạy tiếng Êđê cho hay: “Trước đây khi chưa đưa Chương trình tiếng Êđê vào giảng dạy thì các em học sinh chỉ biết nói và trò chuyện với bạn bè, người thân bằng tiếng Êđê chứ không biết viết mặt chữ, cách đọc, phát âm thế nào cho đúng, ý nghĩa câu từ... Khi đưa tiếng Êđê vào giảng dạy, việc học của các em cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhiều em hay lẫn lộn giữa chữ viết tiếng mẹ đẻ với tiếng phổ thông, viết sai chính tả, cách phát âm chưa được chuẩn, sử dụng câu, từ chưa đúng nghĩa và phải mất rất nhiều thời gian để chỉnh sửa và giúp các em biết cách phân biệt”.

Một tiết học tiếng Êđê tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám (thị trấn Ea Pốk, Cư M'gar).
Một tiết học tiếng Êđê tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám (thị trấn Ea Pốk, Cư M'gar).

Qua quá trình học tập tiếng Êđê tại trường, nhiều em học sinh, nhất là các em khối 5, đã biết viết, biết đọc, hiểu rõ các ý nghĩa, cách sử dụng các câu từ, biết làm những bài tập làm văn bằng tiếng Êđê cũng như dịch lại. Ý thức học tập trong các giờ học môn tiếng Êđê  của các em rất cao, sôi nổi trong việc xây dựng, phát biểu, trả lời câu hỏi… Em H’Bành Adrơng, học sinh lớp 5A thổ lộ: “Trước đây, em cũng như nhiều bạn khác trong trường chưa biết viết, biết đọc cũng như hiểu hết ý nghĩa và cách sử dụng tiếng Êđê thế nào cho đúng. Ở nhà dù hay trò chuyện với bố mẹ bằng tiếng Êđê nhưng bố mẹ cũng không biết viết. Từ khi được học tiếng Êđê em rất thích, bố mẹ em cũng rất vui mừng vì con gái biết chữ, hiểu hơn tiếng nói dân tộc mình. Qua gần 3 năm học tiếng Êđê, đến nay em đã biết viết, biết đọc, sử dụng thành thạo tiếng mẹ đẻ của mình”.

Việc đưa chương trình tiếng Êđê  học song song giữa tiếng phổ thông đã góp phần hỗ trợ cho học sinh người dân tộc thiểu số trong việc học tập các môn học khác, đặc biệt là môn Tiếng Việt. Các em có thể hiểu sâu sắc hơn nội dung bài học của các môn học khác vì được giải thích cặn kẽ bằng tiếng mẹ đẻ, hạn chế được tối đa tình trạng bất đồng ngôn ngữ giữa thầy cô và trò, cũng như hiện tượng bỏ học của học sinh. Thầy Nguyễn Đức Thuần, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám cho biết: “Để nâng cao chất lượng trong giảng dạy môn tiếng Êđê, nhà trường đã chỉ đạo các giáo viên bộ môn, cụ thể là giáo viên bộ môn tiếng Êđê quan tâm sâu sát đến tất cả học sinh. Những em đã học tốt tiếng Ê đê thì tiếp tục bồi dưỡng còn những em học còn yếu, kém thì nhà trường sẽ tăng cường dạy kèm, bồi dưỡng, phối hợp với gia đình để giúp các em tiến bộ. Với cách làm này, hằng năm có 100% học sinh ở 3 khối lớp đều hoàn thành tốt bộ môn tiếng Êđê, 15-20% học sinh đạt loại xuất sắc”.

 H’Xiu Êban


Ý kiến bạn đọc