Xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2016-2020: Khó chồng khó
Giai đoạn 2016-2020, ngành Giáo dục phấn đấu công nhận 248 trường học chuẩn quốc gia (CQG) để đến năm 2020 có 51% trường học trong tỉnh đạt chuẩn. Song nhiệm vụ này là hết sức khó khăn khi mà nguồn lực đầu tư không còn dồi dào như trước…
Đa số các đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết công tác xây dựng trường CQG giai đoạn 2010-2015 và triển khai kế hoạch giai đoạn 2016-2020 mới đây đều quan ngại về kế hoạch xây dựng trường học đạt CQG giai đoạn sắp tới bởi nguồn lực hạn chế.
Gồng lên thực hiện
Bà Nguyễn Thị Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Năng thẳng thắn nêu ý kiến: theo Nghị quyết 172/2015/NQ-HĐND ngày 3-12-2015 của HĐND tỉnh, mỗi năm địa phương được tỉnh hỗ trợ 3 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp trường học đạt CQG, nhưng số kinh phí này không phải đầu tư toàn bộ cho các trường nằm trong lộ trình xây dựng chuẩn giai đoạn 2016-2020 mà còn phải trả nợ cho các trường đã được công nhận chuẩn trước đó. Bởi hầu hết các trường trên địa bàn huyện đạt chuẩn giai đoạn 2010-2015 đều nợ tiền xây dựng cơ bản (mỗi trường nợ ít nhất 1 tỷ đồng). Năm 2012, huyện đầu tư mạnh cho giáo dục, do đó số trường đạt chuẩn tăng; còn liên tục 3 năm gần đây do nguồn thu không đạt chỉ tiêu cấp trên giao nên không có phần vượt thu để đầu tư cho lĩnh vực giáo dục.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Buôn Hồ cho rằng, khó khăn mà địa phương gặp phải trong công tác xây dựng trường chuẩn hiện nay là thiếu đất và thiếu kinh phí. Nếu như các trường mới thành lập không đủ kinh phí để xây dựng trường chuẩn thì các trường xây dựng lâu năm không bảo đảm tỷ lệ diện tích sử dụng/học sinh.
Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (thị xã Buôn Hồ) phấn đấu đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016-2020. |
Theo ông Đoàn Tử Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo, lâu nay có chút nhầm lẫn về nhận thức, thay vì xây dựng mô hình trường chuẩn, lại triển khai đại trà cho nên các địa phương phải “gồng” lên thực hiện. Giai đoạn đầu thực hiện, nhờ triển khai tốt Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên theo Quyết định số 20/2008/QĐ-TTG ngày 1-2-2008 của Thủ tướng Chính phủ nên một số trường dễ dàng đạt tiêu chí “cơ sở vật chất và thiết bị dạy học”, đến giai đoạn 2011-2015 công tác xây dựng trường chuẩn chững lại do nguồn vốn đầu tư hạn chế.
Cần sự đồng thuận cao
Đến tháng 12-2015, toàn tỉnh có 317 trường học các cấp đạt chuẩn (chiếm tỷ lệ 32,12%), tăng 113 trường so với năm 2011. Bên cạnh một số địa phương như: TP. Buôn Ma Thuột, các huyện Krông Ana, Ea Kar và thị xã Buôn Hồ thực hiện tốt công tác xây dựng trường chuẩn, một số huyện không tìm ra giải pháp thực hiện các tiêu chí cũng như giữ vững danh hiệu trường đạt CQG, đặc biệt là nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất. Đơn cử như huyện Krông Bông chỉ có 4/55 trường chuẩn (chiếm 7,27%), Ea Súp 4/45 trường chuẩn (8,89%), Lắk có 6/412 trường chuẩn (14,63%). Một số huyện như Ea H’leo, Krông Búk chưa có trường mầm non đạt chuẩn, huyện Ea Súp chưa có trường THCS đạt chuẩn. 2 năm trở lại đây, toàn tỉnh không có thêm trường THPT đạt chuẩn. Chính vì vậy, để đạt được chỉ tiêu 51% trường chuẩn như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2015-2020) đề ra, trong đó 40% trường mầm non đạt chuẩn, bậc tiểu học là 65%, trung học cơ sở 55% và THPT 35% đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của ngành Giáo dục cũng như tất cả các địa phương.
Các em học sinh Trường THCS Ea Hu (huyện Cư Kuin) tập trung ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi học kỳ II năm học 2015-2016. |
Xây dựng trường đạt CQG là chủ trương lớn mang tính chiến lược của ngành Giáo dục nhằm chuẩn hóa cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Tuy nhiên theo ông Đoàn Tử Minh thì không nên đầu tư dàn trải mà phải có lộ trình xây dựng trường chuẩn rõ ràng. Giai đoạn 2016-2020 huyện Ea H’leo sẽ ưu tiên nguồn vốn tỉnh hỗ trợ để cải tạo, nâng cấp trường học đạt CQG, đầu tư 1 hoặc 2 trường để đạt chuẩn trong năm 2016; đồng thời huy động nguồn lực xã hội, trong đó tranh thủ sự ủng hộ của các doanh nghiệp, đơn vị nhằm bớt gánh nặng đóng góp của phụ huynh và của ngân sách.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết sắp tới sở sẽ tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo xây dựng trường chuẩn với sự tham gia của các sở, ngành liên quan và các địa phương. Trước mắt, các trường đạt chuẩn thường xuyên rà soát, tự đánh giá các tiêu chí, kịp thời có biện pháp khắc phục những tiêu chuẩn có nguy cơ không giữ vững, phát huy các tiêu chuẩn đã công nhận; tham mưu với cơ quan quản lý cấp trên giải quyết những khó khăn, vướng mắc nằm ngoài khả năng xử lý trong quá trình củng cố và nâng chất lượng trường đạt CQG. Sở GD-ĐT và phòng GD-ĐT các địa phương thực hiện kiểm tra định kỳ, nếu thấy trường nào đã công nhận đạt chuẩn nhưng không giữ vững và không phát huy kết quả sẽ tham mưu đề nghị UBND tỉnh xóa tên trong danh sách trường học đạt chuẩn.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc