Multimedia Đọc Báo in

Để học sinh không "ngại" thi môn Lịch sử

08:20, 16/07/2016
Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 tại địa bàn tỉnh, Lịch sử là môn có số lượng thí sinh đăng ký dự thi ít nhất trong các môn thi tự chọn.
 
Cụm địa phương có 15 điểm thi với tổng số 7.306 thí sinh nhưng chỉ có 1.447 em đăng ký thi môn Lịch sử và có 1.411 em dự thi (đạt 97,51%). Điều đáng nói, ở nhiều điểm thi, số thí sinh đăng ký thi môn Lịch sử có thể đếm trên đầu ngón tay, như: điểm thi THPT Phan Đăng Lưu chỉ có 2 thí sinh, điểm thi THPT Nguyễn Tất Thành có 16 thí sinh, điểm thi THPT Buôn Hồ có 19 thí sinh…Tại cụm thi quốc gia, môn Lịch sử cũng chỉ có 3.317 thí sinh dự thi. 
Thí sinh tại điểm thi THPT Buôn Ma Thuột trao đổi bài sau buổi thi môn Lịch sử  trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016.
Thí sinh tại điểm thi THPT Buôn Ma Thuột trao đổi bài sau buổi thi môn Lịch sử trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016.

Đây cũng là tình trạng chung trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT kể từ khi Bộ GD-ĐT thực hiện chủ trương cho các em lựa chọn môn thi. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trước hết, do việc dạy và học môn Lịch sử trong các trường vẫn chủ yếu theo phương pháp truyền thống “đọc-chép” nên rất khô khan, nặng về lý thuyết; nhiều giáo viên chưa phát huy được tính tích cực, sáng tạo trong cách dạy học để gây hứng thú cho học sinh. Không ít học sinh vẫn chỉ coi Lịch sử là môn phụ nên trong quá trình học chưa thực sự chú ý, coi trọng. Môn học này đòi hỏi các em phải ghi nhớ rất nhiều con số, sự kiện nên khó “ăn” điểm, trong khi nếu chọn thi môn Địa lý và có kỹ năng sử dụng Atlat là học sinh đã tránh được điểm liệt. Không những vậy, chương trình, sách giáo khoa Lịch sử hiện còn nhiều bất cập, chưa thật sự phù hợp với thực tế; những thiết bị dạy học môn Lịch sử cũng thiếu và không phù hợp. Hơn nữa, cơ hội việc làm đối với những ngành nghề liên quan đến môn Lịch sử cũng không nhiều.

Để học sinh không quay lưng lại với môn Lịch sử trước hết nên đổi mới nội dung sách giáo khoa và thay đổi phương thức giảng dạy. Sách giáo khoa cần ngắn gọn, súc tích, cập nhật các sự kiện mới, nhất là những vấn đề dư luận xã hội quan tâm. Trong cách giảng dạy, thay vì nêu con số, nội dung khô khan, giáo viên có thể kể những mẩu chuyện về sự kiện lịch sử để các em nghe và dễ nhớ; đồng thời, chú trọng nhấn mạnh đến ý nghĩa, giá trị của sự kiện lịch sử và định hướng cho các em liên hệ thực tế theo hướng sát với cách thức ra đề thi mở như hiện nay. Ngoài ra, quan tâm, tạo điều kiện cho học sinh đi thực tế, tham quan những di tích lịch sử để dễ dàng nắm bắt và ghi nhớ nội dung liên quan. Và một trong những yếu tố quan trọng chính là bản thân mỗi học sinh cần có ý thức tự hào và lòng ham học hỏi, nắm bắt truyền thống lịch sử của dân tộc cũng như các nước trên thế giới. Từ đó, mỗi em sẽ tự tìm ra phương pháp học tập phù hợp, hiệu quả. Bởi chính bộ môn này sẽ giúp các em thêm hiểu biết, tự hào về truyền thống vẻ vang của ông cha và hun đúc lòng yêu nước cũng như ý thức giữ gìn độc lập, toàn vẹn lãnh thổ.
 
Nguyễn Xuân

Bài, ảnh: Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.