Multimedia Đọc Báo in

Caravan thư viện 2030 về với học sinh Đắk Lắk

08:23, 20/08/2016

Mới đây chương trình Caravan thư viện 2030 lần VII - năm 2016 của Câu lạc bộ (CLB) Doanh nhân 2030 thuộc Thời báo Kinh tế Sài Gòn đã có đợt hoạt động xã hội và trao tặng học sinh các trường tiểu học khó khăn ở thị xã Buôn Hồ nhiều phần quà thiết thực với tổng giá trị gần 2 tỷ đồng.

Bất chấp những trận mưa nặng hạt do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 2, hơn 600 doanh nhân của CLB có mặt tại Trường Tiểu học Lê Lợi (thôn 7, xã Ea Siên) và Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Đinh Núp (xã Ea Blang) để lắp đặt thư viện với đầy đủ trang thiết bị như bàn ghế, tủ sách, sách, máy vi tính...  Anh Phạm Phú Tuấn, Trưởng Ban tổ chức thư viện 2030 lần thứ  VII cho biết: “Dự án thư viện 2030 bắt đầu từ năm 2010, khởi nguồn từ ý tưởng trao tặng học sinh tiểu học vùng sâu, vùng xa một món quà tri thức với mong muốn chắp cánh, nuôi dưỡng ước mơ tương lai của các em. Mỗi năm, CLB tặng 1 thư viện cho một trường học thuộc vùng khó khăn. Với chủ đề “Khát vọng Tây Nguyên”, năm nay CLB tặng thư  viện cho 2 trường của thị xã Buôn Hồ”.  Cũng theo anh Phạm Phú Tuấn, Dự án thư viện 2030 còn dài, CLB sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực để các em vùng khó có thêm điều kiện nâng cao kiến thức, phát huy năng lực bản thân”.

Đại diện Câu lạc bộ Doanh nhân 2030 và nhà trường ký biên bản bàn giao thư viện.
Đại diện Câu lạc bộ Doanh nhân 2030 và nhà trường ký biên bản bàn giao thư viện.

Ngoài trao tặng thư viện, CLB Doanh nhân 2030 còn tặng 550 phần quà gồm: cặp sách, vở viết, bút, đồng phục cho các em học sinh Trường Tiểu học-Trung học cơ sở Đinh Núp; hỗ trợ sách, máy in, máy vi tính cho 3 Trường Tiểu học: Tô Hiệu, Hoàng Văn Thụ và Trần Quốc Toản (thị xã Buôn Hồ); tặng quà cho hộ nghèo xã Ea Rông trị giá 120 triệu đồng. Thầy giáo Lê Viết Văn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Đinh Núp vui mừng nói: “Trường mới thành lập cơ sở vật chất nghèo nàn, chưa có thư viện, sách và trang thiết bị dạy học phải để tạm trong nhà kho. Nhờ tấm lòng hảo tâm của các doanh nhân, năm học 2016-2017, nhà trường có thư viện khang trang, hiện đại để các thầy cô giáo, học sinh thuận lợi hơn trong tra cứu thông tin phục vụ công tác giảng dạy, học tập. Tự hào hơn trường là đơn vị đầu tiên trên địa bàn thị xã có thư viện đạt chuẩn”. Một phụ huynh đưa con tham gia buổi Lễ trao tặng thư viện tại Trường Tiểu học-Trung học cơ sở Đinh Núp bày tỏ: “Món quà là động lực để con em chúng tôi theo đuổi ước mơ đến trường. Mặc dù đời sống vật chất, tinh thần ở đây vẫn còn khó khăn, nhưng người dân cũng luôn động viên con em cố gắng học giỏi để mai này có cuộc sống tốt hơn”.

Tỉnh Đắk Lắk luôn hoan nghênh và có biện pháp hỗ trợ tối đa các hoạt động vì mục đích xây dựng, phát triển và nâng cao chất lượng của ngành Giáo dục. UBND tỉnh tuyên dương và đánh giá cao nghĩa cử cao đẹp của CLB Doanh nhân 2030 khi tổ chức trao thư viện cho các trường, tặng quà cho hộ nghèo tại xã Ea Rông (thị xã Buôn Hồ), góp phần hỗ trợ giải quyết khó khăn và mang tri thức đến với các em học sinh, người dân nơi đây.

Bà H’Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định.

Không riêng các thầy cô giáo, học sinh của thị xã Buôn Hồ, mà chính các doanh nhân và con em của họ (khoảng 150 cháu cùng tham gia Chương trình) cũng nhận được nhiều điều bổ ích từ chuyến hoạt động xã hội từ thiện này. Anh Nguyễn Quang Sang (Công ty Phương Nam Logictis - Bình Dương) cho biết: Anh mới tham gia CLB Doanh nhân 2030 được một năm, nhưng khi biết có chương trình “Khát vọng Tây Nguyên” anh và vợ đã thu xếp công việc cơ quan, gia đình đưa con trai 9 tuổi và con gái 4 tuổi cùng tham gia để các con được trải nghiệm. Hành trình khá dài và diễn ra liên tục trong 3 ngày với nhiều hoạt động, các thành viên trong gia đình khá vất vả, nhưng khi về đến các trường, nhìn học sinh, thầy cô giáo háo hức đón nhận phần quà do chính tay các thành viên trong đoàn chuyển đến, mọi mệt nhọc như vơi đi. Anh Sang chia sẻ: “Tối hôm trước (sau khi tham gia chương trình ráp logo dành cho con em các doanh nhân), con trai thủ thỉ, sau này sẽ học giỏi để trở thành kỹ sư xây dựng, sẽ xây nhiều nhà sàn tặng học sinh ở đây để các bạn không còn bị ảnh hưởng của mưa bão nữa. Nghe con trai nói chuyện, cả hai vợ chồng tôi vui đến mất ngủ vì con mình đã biết nghĩ đến người khác”.

 

 Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.