Multimedia Đọc Báo in

Đồng phục học sinh – đôi điều trăn trở

06:28, 27/08/2016

Năm nào cũng vậy, khi sắp vào năm học mới, bên cạnh sách, vở, bút mực…, việc mua sắm đồng phục để con em đến trường được các bậc phụ huynh đặc biệt quan tâm.

Gia đình có điều kiện thì may cho con em từ 3-4 bộ đồng phục mới, nhà nào còn khó khăn thì cũng cố gắng lo cho con tối thiểu 2 bộ hoặc mặc lại đồng phục của anh chị, miễn sao các em đến trường gọn gàng, sạch sẽ. Màu đồng phục phổ biến hiện nay được các trường học lựa chọn là quần xanh đen và áo trắng. Đây có thể coi là hai màu thông dụng phù hợp với các em học sinh từ tiểu học đến THCS cả ở thành thị, nông thôn và được đông đảo phụ huynh ủng hộ. Khi những bộ đồng phục của năm trước đã không còn mặc vừa, các em lại giặt sạch mang tặng các bạn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trong Chương trình “Áo trắng tặng bạn” do tổ chức Đoàn, Đội phát động. Việc làm này tuy nhỏ nhưng đã khơi dậy trong mỗi học sinh tinh thần tiết kiệm, tương thân, tương ái.

Tuy nhiên, việc quy định đồng phục tại một số trường công lập trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột hiện còn một số bất cập khiến không ít phụ huynh phiền lòng. Trước hết là màu đồng phục. Thay vì quần xanh đen, áo trắng, một số trường lại lựa chọn những màu chẳng giống ai như: quần, váy màu xanh lá cây hay màu nâu đỏ…;  áo trắng viền cổ, túi giống màu của quần hoặc cổ áo phải có viền khác màu do trường quy định. Khăn quàng, quần áo thể dục, áo khoác có in chữ, lô gô của trường…Việc làm này được các trường cho đó là đổi mới, mang nét đặc trưng riêng của trường nhưng lại khiến nhiều phụ huynh, học sinh bức xúc. Hầu hết đồng phục của học sinh trong trường được nhà trường đặt may và bán tại trường hoặc chỉ rõ ra một nhà may nào đó do trường chỉ định để mua. Do không phải là màu đồng phục thông dụng nên đa số phụ huynh buộc phải mua tại những địa điểm trên với giá thường đắt hơn so với giá thị trường, chất liệu vải và đường may xấu. Một chiếc áo trắng thông thường của học sinh lớp 6 nếu mua ngoài thị trường là 80.000 đồng thì mua tại địa chỉ của trường quy định có giá 120.000 – 130.000 đồng. Một bộ đồng phục của học sinh lớp 2 mua ngoài thị trường là 140.000 đồng thì giá mua tại trường đến 190.000 đồng. Có trường cấp một trên địa bàn còn khuyến mãi phụ huynh như mua 2 bộ thì được giảm giá 5.000 đồng/bộ, rồi mang đồng phục ra cổng trường bán… gây ảnh hưởng đến hình ảnh của một môi trường giáo dục. Việc thay đổi mẫu đồng phục này gây khó khăn cho không ít gia đình, nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn; đồng phục cũ thì không thể tận dụng để tặng các em học sinh nghèo vùng sâu, vùng xa… Khi phụ huynh phản ứng về việc đột ngột thay đổi mẫu đồng phục thì có một trường tiểu học lại đối phó với sự kiểm tra của cơ quan chức năng bằng việc làm lại biên bản trong cuộc họp phụ huynh cuối năm từ chỗ phụ huynh học sinh không đồng ý thay đổi mẫu đồng phục thành đồng ý thay đổi…

Thiết nghĩ, việc học sinh mặc đồng phục đến trường là cần thiết. Tuy nhiên, quy định đồng phục mỗi nơi một khác, mỗi năm một kiểu tại một số trường học như hiện nay là không nên. Thiết nghĩ, ngành Giáo dục tỉnh nhà cần xây dựng một mẫu đồng phục thông dụng chung cho tất cả các trường trên địa bàn để khắc phục những bất cập như đã nói ở trên và tạo được sự đồng thuận của phụ huynh, học sinh. 

Ngọc Minh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.