Multimedia Đọc Báo in

Tạm dừng cấp sách giáo khoa, vở viết: Nhiều học sinh đến trường… tay không!

16:16, 17/08/2016

Theo quy định của UBND tỉnh, ngày 15-8 học sinh (HS) trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học trên địa bàn tỉnh tựu trường, thế nhưng nhiều HS ở vùng sâu, vùng xa đến trường không có sách giáo khoa (SGK), vở viết.

Năm học 2016-2017, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (xã Cư M’tar, huyện M’Đrắk) có 324 HS, trong đó hơn 73% là người dân tộc thiểu số (DTTS). Nhiều năm học qua, các em được nhà trường cấp sách, vở viết, dụng cụ học tập. Theo thông báo của Sở GD-ĐT, năm học 2016-2017, việc cấp sách, vở tạm dừng. Cô Trần Thị Lan, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhận được công văn của Sở, nhà trường đã báo cáo với UBND xã chỉ đạo các thôn, buôn thông báo trên hệ thống loa truyền thanh, tổ chức họp dân phổ biến rộng rãi chủ trương này. Nhà trường yêu cầu thầy cô giáo đến từng nhà HS nơi mình cư trú nói rõ cho phụ huynh về quyết định trên để có sự chuẩn bị. Thế nhưng, chỉ còn vài ngày nữa là bước vào học kỳ I của năm học, nhiều phụ huynh vẫn chưa mua sách, vở viết cho con. Nhà trường rất lo lắng, thay vì tổ chức họp phụ huynh sau lễ khai giảng như mọi năm, nhà trường quyết định họp vào ngày 16-8 để kịp thời nắm bắt tình hình, nhắc nhở phụ huynh mua sắm các vật dụng cần thiết cho con đi học. Nếu không mua đủ bộ SGK, thì  ít nhất phải bảo đảm sách Toán, tiếng Việt, vở bài tập Toán và bài tập tiếng Việt để tổ chức dạy đúng thời gian năm học”.

Giờ sinh hoạt tập thể của học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Bùi Thị Xuân (xã Ea Sin, huyện Krông Búk).
Giờ sinh hoạt tập thể của học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Bùi Thị Xuân (xã Ea Sin, huyện Krông Búk).

Tương tự, lãnh đạo nhiều trường học ở huyện Krông Pắc cũng đứng ngồi không yên khi năm học 2016-2017 đã bắt đầu  mà nhiều phụ huynh vẫn chưa sẵn sàng cho con  đến trường. Bà H’Yer Knul, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Krông Pắc cho hay khi không còn được cấp sách vở, nhiều phụ huynh là người DTTS gặp khó khăn trong việc tự đi mua dù trường đã liệt kê tên sách, loại sách của từng lớp. Một số phụ huynh mua sách không đúng yêu cầu. Bà H’Yer cho biết thêm, khi đi kiểm tra công tác chuẩn bị cho năm học mới tại một số trường ở các xã vùng sâu, xã đặc biệt khó khăn trong huyện, bà có đến nhà dân và hỏi: “Đã mua sách vở cho con chưa?”, nhiều phụ huynh trả lời: “Mình không có tiền!”. Dù đã được giải thích, nhưng bà con vẫn hỏi lại khi nào thì nhà nước cấp tiền hỗ trợ chi phí học tập”.

Ông Biện Văn Minh, Trưởng Phòng Kế hoạch-Tài chính (Sở GD-ĐT) cho biết, năm 2016, các nguồn ngân sách giao cho ngành Giáo dục không có mục chi cho sách giáo khoa, giấy viết. Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường điều tra, khảo sát số HS thuộc diện được hỗ trợ chi phí học tập để tổng hợp xây dựng dự toán ngân sách đề nghị Trung ương sớm bố trí kinh phí hỗ trợ cho HS. Vì vậy phụ huynh có con em thuộc diện thụ hưởng chính sách hỗ trợ cần chủ động mua sách, vở để sẵn sàng bước vào năm học mới.

Theo ý kiến của nhiều giáo viên, giá như việc tạm dừng cấp sách vở cho HS DTTS được thông báo sớm hơn (trước khi kết thúc năm học 2015-2016), giáo viên chủ nhiệm sẽ thông báo cho HS và phổ biến trực tiếp cho phụ huynh trong buổi họp tổng kết năm học, như vậy mọi người sẽ nắm rõ, chủ động hơn. Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, từ năm học 2015-2016 trở về trước, ngoài thực hiện các chính sách hỗ trợ của Trung ương, với đặc thù của một tỉnh có đông HS DTTS, tỉnh Đắk Lắk có thêm chính sách hỗ trợ  SGK, vở viết cho học sinh DTTS nhằm động viên, khuyến khích các em đến trường. Do nguồn thu ngân sách của tỉnh khó khăn nên năm học 2016-2017 tỉnh tạm dừng cấp SGK, vở viết. Từ tháng 6-2016, Sở GD-ĐT đã có công văn gửi các phòng GD-ĐT, các đơn vị trực thuộc Sở thông báo rõ điều này; đồng thời yêu cầu các trường đẩy mạnh công tác tuyền truyền, phổ biến đến phụ huynh. Năm học này, chính sách đặc thù của địa phương không còn, nhưng Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, ngày 2-10-2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021, có hiệu lực. Theo Nghị định 86, Nhà nước hỗ trợ trực tiếp chi phí học tập cho trẻ em học mẫu giáo, HS phổ thông có cha mẹ thuộc hộ nghèo, trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế với mức 100.000 đồng/tháng/HS và không quá 9 tháng/năm học để mua sách, vở và các đồ dùng học tập khác. Dự kiến toàn tỉnh có 42.000 HS được hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 86, với kinh phí khoảng 17-18 tỷ đồng.

 

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.