"Gieo" chữ ở Ea Yiêng
Thương học trò nghèo thiếu cơm, thiếu sách
Thầy giáo Kêu (người Xê Đăng) công tác tại Trường Tiểu học Đinh Núp (xã Ea Yiêng) đã hơn 30 năm là cũng chừng ấy thời gian thầy chứng kiến nỗi nhọc nhằn của cả thầy và trò trên hành trình “gieo" chữ nơi vùng sâu vùng xa này. Năm học này, thầy Kêu được phân công chủ nhiệm lớp 1, chứng kiến nhiều em học sinh không biết tiếng Kinh, rụt rè khi tiếp xúc với thầy cô, bạn bè… thầy Kêu buồn lắm.
Cô giáo Trần Thị Mai Hoan, Trường Tiểu học Đinh Núp (xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc) hướng dẫn học sinh làm Toán. |
Thầy Kêu tâm sự: Đa số bố mẹ các em thuộc diện hộ nghèo, đông con, thường xuyên đi rẫy xa nhiều ngày mới về nên hằng ngày các em phải tự lo chuyện ăn uống, học hành. Vào vụ mùa, không ít học sinh bỏ học lên nương rẫy phụ giúp bố mẹ; thậm chí có em bỏ học suốt 2 tháng, khi đi học trở lại đã không theo kịp chương trình.
Sau hơn 16 năm công tác tại các trường tiểu học ở xã Ea Kênh, Ea Yông, năm 2000 cô giáo Trần Thị Mai Hoan được điều động vào Trường Tiểu học Đinh Núp. Nhà cách trường hơn 20 km, hằng ngày cô Hoan đi dạy từ tờ mờ sáng. Trường có hơn 1.000 học sinh, trong đó gần 96% học sinh là người dân tộc thiểu số, khả năng nói tiếng Kinh hạn chế đã ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả giáo dục. Vì vậy, cô Hoan luôn tranh thủ thời gian gần gũi tìm hiểu, chia sẻ những khó khăn với các em trong học tập, giao tiếp.
Các thầy cô không chỉ dạy tiếng Kinh, giúp các cháu hiểu và nắm vững kiến thức cơ bản, nhận thức giữ gìn sức khỏe cho bản thân ở trên lớp, mà còn đi tới từng nhà vận động các cháu đến lớp, giữ các cháu trong lớp, tránh việc bỏ học
Thầy Nguyễn Văn Ước, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đinh Núp
|
Đến thăm những buôn làng người dân tộc thiểu số ở đây mới thấu hiểu sự thiếu thốn của họ. Có gia đình 15-16 khẩu ở trong một gian nhà nhỏ chưa đến 10 m2, tài sản chẳng có gì; có cặp vợ chồng mới 34-35 tuổi nhưng đã có tới 9 mặt con, không ruộng rẫy. Thầy Kêu lo lắng: “Kinh tế khó khăn nên nhiều bậc phụ huynh xem thường chuyện học hành, không chịu mua sách, vở cho con đi học”. Còn cô Hoan bộc bạch: “Vì điều kiện kinh tế khó khăn, phụ huynh chưa quan tâm đến chuyện học tập của con em mình. Nếu thầy cô giáo không sâu sát chắc chắn các em sẽ mù chữ...”.
Đến với học sinh bằng tấm lòng
Không chỉ giúp học sinh nắm vững kiến thức cơ bản trên lớp, cô Hoan và nhiều đồng nghiệp trong trường còn đến từng nhà vận động phụ huynh cho các cháu đến lớp, tránh việc bỏ học.
Để giúp phụ huynh thấy rõ lợi ích của việc cho con đi học, cô giáo Hoan lấy những ví dụ minh họa thiết thực, dễ hiểu như: các em biết chữ, biết làm các phép tính cộng, trừ, nhân, chia… khi bố mẹ trồng cây lúa, cây ngô bán cho thương lái sẽ không bị tính sai. Cô Hoan còn động viên, khuyến khích học sinh đến trường bằng cách hỗ trợ học sinh tiền ăn sáng, tận dụng sách vở, quần áo cũ của con, quyên góp trong bạn bè, đồng nghiệp để tặng học sinh nghèo xã Ea Yiêng.
Còn thầy Kêu lại có cách làm khác để học sinh yêu trường, mến bạn, không nghỉ học. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi thầy đến từng nhà “rỉ tai” để phụ huynh hiểu được lợi ích của việc cho con đi học. Với những em học lực yếu, thầy tận tình kèm cặp, giúp đỡ để các em không tự ti bỏ học. Không chỉ vậy, thầy còn cùng với Ban Giám hiệu nhà trường vận động sách vở, quần, áo, cặp sách để hỗ trợ học sinh nghèo trong trường.
Sự tận tâm của các thầy cô giáo ở Trường Tiểu học Đinh Núp đã được đền đáp, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm hẳn. Năm 2014, Ea Yiêng là xã cuối cùng trong tỉnh hoàn thành chương trình phổ cập tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của các thầy, cô giáo Trường Tiểu học Đinh Núp.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc