Không chỉ là tôn vinh nhà giáo
Ngày 20 tháng 11 từ lâu đã là một ngày rất đỗi quen thuộc và có ý nghĩa trong tâm trí mỗi người. Quen thuộc tới mức từ học sinh mầm non đến những người trưởng thành đều biết đến ngày lễ lớn của ngành giáo dục. Sự tôn vinh đầy trân trọng của cả xã hội đối với nghề dạy học hiển hiện rất rõ ràng mà không cần bàn luận thêm nhiều.
Nhưng mặt khác, sự tôn vinh của xã hội đối với nghề dạy học đi kèm với những đòi hỏi khắt khe với giáo viên – vốn luôn được mong đợi là những “khuôn vàng thước ngọc”. Những năm gần đây, liên tiếp các sự việc như “bảo mẫu hành hạ trẻ”, “giáo viên lạm dụng tình dục học sinh”, “thầy giáo gạ tình”, “giáo viên đánh bạc”, “giáo viên ép học sinh đi học thêm”... đã khiến xã hội bất bình, phẫn nộ. Làm nghề dạy học mà có những hành vi đáng xấu hổ như vậy, nếu còn có lương tri sao có thể đón nhận sự tôn vinh của xã hội.
Ở khía cạnh khác, vụ việc giáo viên được điều động đi tiếp khách ở một địa phương nọ đang là tâm điểm chú ý của dư luận. Vấn đề bảo vệ quyền lợi của nhà giáo đang được đặt ra. Có lẽ, đã đến lúc, ngày 20 tháng 11 nên là dịp để những người làm nghề dạy học nhận thức lại về nghề của mình, trách nhiệm của mình với mỗi học trò cũng như có những thảo luận để các nội dung của bản hiến chương các nhà giáo được thực thi theo đúng ý nghĩa của ngày này: “Năm 1949, tại một hội nghị ở Warszawa (thủ đô của Ba Lan), Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục (FISE) đã ra bản "Hiến chương các nhà giáo" gồm 15 chương với nội dung chủ yếu là đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến, xây dựng nền giáo dục trong đó bảo vệ những quyền lợi của nghề dạy học và nhà giáo, đề cao trách nhiệm và vị trí của nghề dạy học và nhà giáo. Công đoàn giáo dục Việt Nam, là thành viên của FISE từ năm 1953 (hội nghị có 57 nước tham dự), đã quyết định trong cuộc họp của FISE từ 26 đến 30-8-1957 tại Warszawa, lấy ngày 20 tháng 11 năm 1958 là ngày "Quốc tế hiến chương các nhà giáo". Vào ngày 28-9-1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167-HĐBT chọn ngày 20 tháng 11 hằng năm là ngày lễ mang tên "Ngày Nhà giáo Việt Nam".
(Nguồn: vi.wikipedia.org/wiki/Ngày Nhà giáo Việt Nam).
Vì thế, ngày 20 tháng 11 không chỉ là ngày để nhà giáo đón nhận sự tôn vinh từ xã hội mà còn là ngày để nhà giáo được nhắc nhở về việc xác lập trách nhiệm với mỗi giờ giảng, với từng học trò cũng như về hành trình đấu tranh đòi hỏi, bảo vệ phúc lợi và quyền được “tự do” thực hiện công việc dạy học của mình theo chuẩn nghề nghiệp đã được xác lập.
Trương Thị Hiền
Ý kiến bạn đọc