Multimedia Đọc Báo in

Mô hình thư viện mới: Khơi dậy văn hóa đọc

09:00, 27/11/2016

Nhiều mô hình thư viện trường học tại huyện Krông Ana đã mang lại hiệu quả thiết thực, khơi dậy niềm đam mê đọc sách, giúp học sinh phát triển năng lực tự học, thu thập và xử lý thông tin từ các nguồn khác nhau…

Trường THCS Buôn Trấp là 1 trong 3 trường học của tỉnh Đắk Lắk được Công ty Samsung Việt Nam đầu tư mô hình “Thư viện thông minh”.

Thư viện thông minh là dự án nâng cấp thư viện tại các trường THCS và THPT các vùng ven trên cả nước. Đây được xem là mô hình thư viện hoàn chỉnh đầu tiên được giới thiệu đến học sinh, với các hoạt động: hỗ trợ máy tính, trang thiết bị phòng đọc, phần mềm quản lý thư viện. Bên cạnh đó còn có hàng ngàn đầu sách, báo được chọn lựa và giới thiệu bởi các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục.

Để triển khai chương trình này, trước đó, người quản lý thư viện tại các trường đã được đào tạo, tập huấn, giúp họ quản lý sách tốt hơn và hỗ trợ tối đa cho học sinh trong việc tìm kiếm sách, báo, thông tin. Năm 2014, Trường THCS Buôn Trấp đã đầu tư mới gần 2.000 đầu sách, với nhiều thể loại phong phú, đa dạng nên đã thu hút ngày càng nhiều học sinh đến với thư viện.

Các em học sinh Trường THCS Buôn Trấp tìm đọc sách tại thư viện thông minh của trường.
Các em học sinh Trường THCS Buôn Trấp tìm đọc sách tại thư viện thông minh của trường.

Từ ngày đi vào hoạt động, thư viện là địa điểm lý tưởng để các bạn nhỏ lựa chọn cho mình những loại sách cần đọc và rèn luyện thói quen đọc sách, tra cứu; có em tìm đọc được những tác phẩm văn học cổ, quý, đã vắng bóng từ lâu tại các nhà sách… Theo thầy Trương Văn Kiên, Hiệu trưởng nhà trường, bước đầu mô hình đã nâng cao hứng thú đọc sách cho các em học sinh; giúp học sinh tiếp cận với sách điện tử và truy cập thông tin dễ dàng hơn,  tạo ra một môi trường đọc sách kiểu mới kết hợp các kỹ năng cần thiết khác như tìm kiếm tư liệu, tên đầu sách thông qua hệ thống tra cứu điện tử.

Tương tự, mô hình “Thư viện thân thiện” được đầu tư xây dựng năm 2016 với tiêu chí cơ bản là phòng đọc phải thoáng mát với những hình vẽ sinh động, đẹp mắt là nơi mà các em học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (xã Bình Hòa) thường tập trung sau mỗi giờ học. Các kệ sách được trình bày khoa học, đẹp mắt với hàng ngàn đầu sách  phục vụ cho học sinh trong trường. Đây là một trong 7 trường tiểu học ở huyện Krông Ana được tổ chức Room to Read tài trợ thư viện. Khi tham gia dự án, các trường được hỗ trợ các đầu sách phù hợp với lứa tuổi tiểu học, trang thiết bị thư viện và các sản phẩm giáo dục khác nhằm tạo ra một môi trường đọc thoải mái cho các em. Lãnh đạo, nhân viên thư viện và các tổ trưởng chuyên môn của các trường được tập huấn về kỹ năng tổ chức và quản lý thư viện, lựa chọn và phân loại sách, sử dụng hiệu quả giờ đọc thư viện, tổ chức hoạt động đọc sách.

Với mục tiêu đưa sách đến tận tay bạn đọc, một số trường học ở đây còn có sáng kiến tổ chức mỗi tuần một tiết học thư viện. Trong tiết học này, các học sinh sẽ được xem những thước phim tư liệu về lịch sử, về đất nước con người Việt Nam, qua đó giúp các em học tốt hơn những môn học về lịch sử, địa lý và có thêm kỹ năng sống. Ngoài ra, trường còn tổ chức luân chuyển sách đến các lớp học, xây dựng thư viện xanh ở khuôn viên sân trường, thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa tìm hiểu về sách hay. Bên cạnh đó, thư viện có các hoạt động: giới thiệu sách hay, hướng dẫn, tư vấn các em các đầu sách cần tìm đọc… để góp phần giáo dục niềm ham mê đọc sách, giúp ích cho việc học tập và rèn luyện nhân cách.

Có thể nói, với những mô hình xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường như ở huyện Krông Ana đã mang lại hiệu quả tích cực, tạo được hình ảnh một thư viện thân thiện, mở rộng không gian học tập cho học sinh. Đây cũng là một cách hình thành cho học sinh thói quen và kỹ năng đọc sách để góp phần bổ sung kiến thức, nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường.


Duy Khôi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.