Multimedia Đọc Báo in

Tâm huyết với công tác dạy nghề

16:18, 26/11/2016

Tâm huyết với nghề, đam mê sáng tạo và được nhà trường khuyến khích, tạo điều kiện là động lực để thầy Nguyễn Hữu Khánh, giáo viên Khoa Cơ điện xây dựng, Trường Cao đẳng Nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên sáng tạo những thiết bị dạy nghề hữu ích, góp phần đào tạo nhiều thế hệ sinh viên lành nghề, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thầy Nguyễn Hữu Khánh hướng dẫn sinh viên thực hành kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp.
Thầy Nguyễn Hữu Khánh hướng dẫn sinh viên thực hành kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Đà Nẵng và đi làm tại một số doanh nghiệp, đến năm 2003, thầy Khánh “bén duyên” với Trường Cao đẳng Nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên. 14 năm công tác tại trường, hiểu cặn kẽ đặc thù của trường nghề là phải gắn việc dạy - học lý thuyết với thực hành trên thiết bị, thầy Khánh càng trăn trở với việc làm sao để sinh viên dễ dàng nắm bắt kiến thức, ứng dụng vào thực tiễn khi ra trường.

 
Tham gia các tiết học về kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp của thầy Khánh, chúng em nắm bắt kiến thức rất nhanh. Sau mỗi phần học lý thuyết, thầy đều cho thực hành ngay trên thiết bị, máy móc theo hình thức “cuốn chiếu”. Nhờ vậy đã đem lại sự thích thú, ham muốn học tập của sinh viên, hun đúc lòng yêu nghề và giúp chúng em có thể sống được bằng nghề sau khi ra trường.
 
Em Y Lơng Ksơr, sinh viên năm 2 Khoa Cơ điện xây dựng chia sẻ

Các thiết bị dạy nghề tự làm như: “Điều khiển đèn giao thông”, “Bàn thực hành trang bị điện tích hợp”, “Các panel thực hành nghề điện”… được thầy Khánh sáng tạo từ thực tiễn giảng dạy không chỉ giúp sinh viên dễ hiểu và nắm chắc bài học, mà còn có thể thực hành nghề và áp dụng vào thực tế vận hành máy móc, thiết bị của doanh nghiệp sau khi ra trường. “Với quy mô đào tạo ngày càng mở rộng, sinh viên đăng ký học chuyên ngành điện ngày càng nhiều trong khi trang thiết bị thực hành còn hạn chế nên tôi và các thầy cô trong khoa đều nỗ lực sáng tạo ra các thiết bị dạy nghề tự làm, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho sinh viên” thầy Khánh chia sẻ.

Để tạo hứng thú và tiếp thêm lòng yêu nghề cho sinh viên, trong quá trình giảng dạy, thầy Khánh chú ý quan sát, nắm bắt khả năng của mỗi em, sau đó chia thành từng nhóm nhỏ phù hợp với khả năng tiếp thu. Những nhóm học khá, thầy giao bài tập thực hành khó hơn để các em phát huy khả năng tư duy sáng tạo. Những em tiếp thu chậm, thầy sẽ có phương pháp kèm cặp thêm bằng cách “cầm tay chỉ việc” để có thể nắm bắt và thực hiện được các thao tác lắp đặt, đấu nối, vận hành thiết bị điện. Nỗ lực đó của thầy đã giúp các thế hệ sinh viên học chuyên ngành điện thêm vững nghề. Không chỉ đào tạo nghề cho sinh viên, thầy Khánh còn liên hệ với các công ty, doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh để tạo việc làm cho các em. Điều đáng nói, trong quá trình công tác, nếu các em gặp phải những trường hợp khó xử lý như lắp đặt trạm bơm, hệ thống điện… đều có thể nhờ thầy tư vấn trực tiếp hoặc qua điện thoại.

Với mục tiêu đưa nghề kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp thực sự trở thành 1 trong những nghề trọng điểm của cả nước và góp phần đào tạo ra những thế hệ sinh viên lành nghề, thầy Khánh và một số giáo viên của Trường Cao đẳng Nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên đã được Học viện Chishom (Úc) tuyển chọn đào tạo thông qua Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) để cấp chứng chỉ sư phạm theo chuẩn quốc tế trong thời gian tới.  

 

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc