Quan trọng ở "tâm thế học" và "tâm thế dạy"
Đã từng có các cuộc tranh luận về việc xác định những người dạy lái xe ôtô tại các Trung tâm đào tạo lái xe là “giáo viên” hay “người hướng dẫn” để từ đó đặt ra vấn đề có cần thiết lối xưng hô giữa người dạy và người học là “thầy – trò” hay không.
Thực tế, khóa đào tạo lái xe ôtô thường diễn ra trong thời gian ngắn với đối tượng người học có thể được chia làm nhiều nhóm xã hội với những đặc điểm, nhu cầu và mục đích học khác nhau nên việc xác định là “giáo viên” hay là “người hướng dẫn” không quá quan trọng đối với cả người học và người dạy. Và nếu như không tồn tại lối xưng hô “thầy – trò” giữa người dạy và người học thì có lẽ cũng không ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo lái xe ôtô. Điều quan trọng ảnh hưởng tới môi trường đào tạo lái xe lại chính là ở “tâm thế học” của người học và “tâm thế dạy” của người dạy.
Học lái xe ôtô dễ hay khó là một trong những băn khoăn thường gặp nhất của những người đang có ý định tham gia khóa học. Hiển nhiên rằng việc học lái xe và việc thi lấy bằng lái xe ôtô không khó bởi tỷ lệ các học viên thi rớt tại các kỳ thi thường chiếm tỷ lệ nhỏ và dường như hầu hết đều đạt ở các kỳ thi tiếp theo. Nhưng việc học lái xe tuyệt đối không thể là việc dễ vì không ai dám tự tin không học mà có thể biết và hiểu được Luật Giao thông đường bộ với hàng loạt các điều luật, biển báo. Hơn nữa, những hiểu biết cơ bản về cấu tạo ôtô, về kỹ thuật lái xe và việc thực hành lái xe để vượt qua kỳ thi sát hạch đòi hỏi người học cần tập trung và chăm chỉ. Vấn đề cũng không chỉ ở mục tiêu lấy bằng lái xe mà còn là sự an toàn cho mình và những người xung quanh trong suốt quá trình tham gia giao thông sau này. Bởi vậy, việc học lái xe không dễ cũng không khó nhưng người học phải mang “tâm thế học” luôn xem đó là việc nghiêm túc.
Đồng thời, người học rất cần người dạy lái xe ôtô mang “tâm thế dạy” không chỉ hướng tới mục tiêu giúp người học lấy được bằng lái xe mà còn giúp người học hướng tới sự thoải mái, tự tin và bảo đảm có thể thực hành các kỹ năng lái xe cũng như xử lý tình huống trong suốt quá trình lái xe sau này.
Khi mà người học có “tâm thế học” và người dạy có “tâm thế dạy” thì quá trình dạy học sẽ đạt được sự tôn trọng, chia sẻ giữa người học và người dạy. Lối xưng hô “thầy – trò” sẽ như một nhu cầu tự thân từ phía người học. Đó mới thực sự là điều quan trọng cần xác lập không chỉ đúng riêng trong lĩnh vực đào tạo lái xe mà còn đúng trong các lĩnh vực đào tạo khác.
Trương Thị Hiền
Ý kiến bạn đọc