Sức vươn của các trường ngoài công lập
Loại hình trường ngoài công lập ở Đắk Lắk đang có những bước đột phá trong đầu tư về cơ sở vật chất cũng như chất lượng chuyên môn, tạo sức hấp dẫn đối với phụ huynh, học sinh.
Môi trường giáo dục tiên tiến
Năm học 2016-2017, ngành Giáo dục Đắk Lắk có thêm 2 trường phổ thông 3 cấp học ngoài công lập đi vào hoạt động. Với cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học khang trang, hiện đại, đặc biệt là chương trình giáo dục toàn diện theo mô hình giáo dục ở các nước hàng đầu châu Á, Trường Tiểu học - THCS - THPT Victory (Trường Victory) và Trường Tiểu học - THCS - THPT Hoàng Việt (Trường Hoàng Việt) nhanh chóng thu hút sự quan tâm, trở thành địa chỉ để phụ huynh gửi gắm con em vào học.
Dù mới khánh thành và khai giảng năm học đầu tiên, nhưng cả hai trường đều tuyển sinh vượt chỉ tiêu, trong đó Trường Vicrory vượt 337 chỉ tiêu và Trường Hoàng Việt vượt 50 chỉ tiêu. Không chỉ có con em của tỉnh Đắk Lắk mà nhiều phụ huynh ở một số tỉnh, thành phố như: Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Yên, Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai cũng gửi con vào học tại hai trường này. Một phụ huynh có con học Trường Hoàng Việt đã bày tỏ trong lễ khai giảng: “Từ nay, phụ huynh ở khu vực Tây Nguyên không còn “bay theo” những chuyến xe đêm để về thành phố Hồ Chí Minh thăm con học vì giữa đô thị Buôn Ma Thuột đã có ngôi trường phổ thông nhiều cấp học quy mô, hiện đại và tiện ích bậc nhất Tây Nguyên, với môi trường giáo dục tiên tiến lấy người học làm trung tâm”.
Giáo viên Trường Hoàng Việt hướng dẫn học sinh lớp 1 rèn chữ viết. |
Tiến sĩ Nguyễn Chiến, Hiệu trưởng Trường Victory cho biết, ngoài bảo đảm chương trình giáo dục của Bộ GD-ĐT, học sinh còn được học tăng chương trình tiếng Anh với giảng viên người bản ngữ, học kỹ năng sống, học nhạc, họa… Nhà trường còn đầu tư hệ thống cơ sở vật chất phục vụ bán trú, xe đưa đón học sinh nên đã đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận phụ huynh không có điều kiện đưa đón, chăm sóc con em.
Với quan điểm trường phổ thông là gia đình thứ hai, Trường Hoàng Việt đầu tư xây dựng môi trường học tập thân thiện, tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa để học sinh không chỉ học kiến thức mà còn được trải nghiệm thực tiễn, góp phần rèn luyện nhân cách, đạo đức. Ông Lê Đình Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị nhà trường chia sẻ, khi tham quan các mô hình giáo dục ở nước ngoài, nhất là tại Nhật Bản, đối với bậc tiểu học, những nhà làm giáo dục ở đất nước “Mặt trời mọc” không ép học sinh học kiến thức văn hóa mà tập trung giáo dục các em phát triển về nhân cách, kỹ năng và thể chất. Áp dụng mô hình giáo dục này, nhà trường tổ chức dạy học theo phương châm “Học mà chơi, chơi mà học” nhằm khơi gợi, thúc đẩy niềm yêu thích việc học, khuyến khích tinh thần tự học, muốn theo đuổi việc học bền lâu.
Phụ huynh là trọng tài
Không khó để tìm câu trả lời vì sao các trường ngoài công lập mới thành lập nhưng lại có sức hấp dẫn đặc biệt đối với phụ huynh.
Ông Trương Văn Tỵ, nguyên cán bộ ngành Giáo dục Đắk Lắk phân tích, trước đây, phụ huynh còn đắn đo về chất lượng giáo dục giữa trường công và trường tư; đồng thời cân nhắc về chi phí đào tạo giữa hai loại hình giáo dục. Gần đây, mức sống của người dân nâng lên, mỗi gia đình chỉ có 1 đến 2 con, do đó phần lớn phụ huynh mong muốn con em mình được học tập trong môi trường giáo dục tốt, có được nền tảng kiến thức và năng lực ngang tầm với học sinh các nước tiên tiến.
Một giờ học tại Trường Tiểu học, THCS&THPT Victory. |
Nắm bắt được nhu cầu và tâm lý của phụ huynh, cùng với các chính sách ưu đãi, sự quan tâm tạo điều kiện của tỉnh, các nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn liếng, công sức vào xây dựng trường học khang trang, hiện đại, với các dịch vụ tiện ích như: bán trú, nội trú, xe đưa đón học sinh, chú trọng phát triển năng lực học sinh, kỹ năng sống… và mức học phí tương đối hợp lý nên nhiều phụ huynh trong tỉnh và các tỉnh lân cận yên tâm gửi con theo học.
Theo ông Thái Văn Tài, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, hiện nay giáo dục là một sản phẩm, không ai khác phụ huynh chính là người thẩm định, đánh giá chất lượng giáo dục của các trường. “Vậy thì tại sao trường công lập có nhiều lợi thế hơn, nhưng phụ huynh lại lựa chọn trường ngoài công lập? Điều này buộc những nhà quản lý giáo dục, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường công lập phải suy nghĩ để thay đổi tư duy quản lý, đổi mới cách dạy hướng tới sự hài lòng của phụ huynh, phù hợp với xu hướng đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo của nước nhà và trong xu thế hội nhập toàn cầu”, ông Thái Văn Tài nhấn mạnh.
Năm 2011, Đắk Lắk có 27 trường dân lập tư thục (20 trường mẫu giáo, 6 trường tiểu học, 1 trường THPT), đến năm 2016 là 60 trường, gồm 49 trường mẫu giáo, 7 trường tiểu học, 2 trường THPT và 2 trường liên cấp. |
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc