Multimedia Đọc Báo in

Hạnh phúc giản dị của các nhà giáo

08:11, 26/03/2017

Hạnh phúc là một khái niệm vô cùng rộng lớn, mỗi con người, mỗi lứa tuổi lại có một quan niệm khác nhau về hạnh phúc.

Với nhiều người, hạnh phúc đơn giản là được làm những công việc phù hợp với khả năng, năng lực của mình, cao hơn là được cống hiến, phấn đấu cho những mục đích của cuộc sống mà mình hướng tới. Khi tâm sự về niềm hạnh phúc trong nghề nghiệp, nhiều thầy cô giáo đã thổ lộ đó chính là niềm yêu thích môn học của học sinh và những thành công của học sinh thân yêu.

Để tạo niềm hứng khởi cho học sinh trong các giờ học – cũng là mang lại hạnh phúc cho bản thân, cô giáo Phạm Thị Giang Thanh (Trường Tiểu học Kim Đồng, thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo) không ngại khó, ngại khổ miệt mài tìm kiếm các phương pháp truyền đạt kiến thức mới mẻ, sáng tạo đồ dùng dạy học. Trường tiểu học nơi cô giáo Giang Thanh giảng dạy chủ yếu là học sinh người dân tộc thiểu số, nhà các em đều ở xa trường, cha mẹ lại không dành nhiều thời gian cho việc học hành của con cái, vì vậy bên cạnh việc tạo hứng thú cho học sinh đến lớp, cô luôn sẵn lòng đến tận nhà vận động học sinh trong buôn đến lớp. Ngoài giờ học, cô còn tổ chức cho học sinh nhiều hoạt động bổ ích, thiết thực như: đến thăm hỏi, giúp đỡ các gia đình chính sách, những người gia neo đơn, các gia đình chính sách vào các dịp lễ, tết... Sự tận tụy, hết lòng vì học sinh của cô giáo Phạm Thị Giang Thanh đã được ghi nhận khi cô được Hội đồng thi đua cấp tỉnh đề nghị phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú cho những nỗ lực trong công tác dạy học của mình. 

Với cô Lê Thị Thanh Vân, Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương (huyện Krông Ana), sự thành công của từng học sinh chính là hạnh phúc của mình. Trường THPT Hùng Vương vốn là trường có chất lượng đầu vào không cao. Những năm gần đây, nhờ sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên nhà trường trong đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, trường đã từng bước khẳng định được sự vươn lên của mình. Hạnh phúc lớn nhất của Trường THPT Hùng Vương và cô hiệu trưởng Lê Thị Thanh Vân là trong kỳ thi Olympic 10-3 vừa qua do Sở GD-ĐT tổ chức, các học sinh của trường đã giành nhiều thành tích xuất sắc, đưa trường từ vị trí thứ 25 của năm học trước vượt lên đứng thứ 4 với 29 huy chương (12 Vàng, 9 Bạc, 8 Đồng).

Cô Phạm Thị Giang Thanh (thứ 4 từ phải sang) đưa các học trò đến thăm một gia đình chính sách tại địa phương.  									(Ảnh: nhân vật cung cấp)
Cô Phạm Thị Giang Thanh (thứ 4 từ phải sang) đưa các học trò đến thăm một gia đình chính sách tại địa phương. (Ảnh: nhân vật cung cấp)

Còn với thầy giáo, nhạc sĩ Huỳnh Ngọc La Sơn (Sở GD-ĐT), hạnh phúc của thầy là giúp học sinh phát triển khả năng cảm thụ âm nhạc. Những ca khúc thầy sáng tác như “Bài ca người gieo hạt”, “Hạt mưa kể chuyện”... được rất nhiều thầy cô giáo, học sinh yêu thích. Từ sự dìu dắt của thầy, nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành. Cô giáo Lê Thị Sen, Phó Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Nguyễn Tất Thành thì tâm sự: “Hạnh phúc là khi nhìn thấy học trò của mình nỗ lực vượt qua hoàn cảnh khó khăn của bản thân để đến trường học, là khi nhìn thấy học trò của mình biết đoàn kết, yêu thương và chia sẻ cho nhau”. Là giáo viên dạy văn rất yêu nghề cộng với niềm say mê công tác phong trào và nhiều năm làm công tác Đoàn thanh niên, cô Sen có nhiều thời gian gần gũi với học sinh. Vì thế, cô càng hiểu hơn những khó khăn, những biến chuyển tâm lý của tuổi mới lớn và luôn cố gắng để trở thành một người bạn lớn của học sinh, nơi các em tin cậy tìm đến để được hỗ trợ, giúp đỡ. 

Thế mới thấy, với những người làm nghề dạy học, hạnh phúc đôi khi là những điều thật bình dị, từ sự thành công của học trò, sự chan hòa với đồng nghiệp hay một tiết dạy thành công cũng là hạnh phúc lớn lao. Có thế mới thấm thía hơn câu nói: “Hạnh phúc không phải từ những điều mà ta nhận được, mà từ những điều mà ta cho đi”.       

Niê Thanh Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.