Giao lưu "Tiếng Việt của chúng em" năm học 2016-2017
Bồi đắp tình yêu văn hóa truyền thống cho học sinh dân tộc thiểu số
Qua 3 lần tổ chức, Chương trình giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” ở bậc tiểu học được Sở GD-ĐT tổ chức vừa qua đã giúp học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển các kỹ năng, khơi dậy tình yêu tiếng Việt, đồng thời tạo sân chơi bổ ích, giao lưu văn hóa cho các em.
Tham gia Giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” năm học 2016-2017, có 135 học sinh DTTS đến từ 15 huyện, thị xã, thành phố. Năm nay, Chương trình được đánh giá cao về cả số lượng lẫn chất lượng. Đồng thời đây cũng là năm các Phòng GD-ĐT tham gia đầy đủ nhất, số lượng học sinh và các dân tộc tham gia đông nhất. Từ đó, các sắc màu văn hóa mang đến trong các tiết mục cũng đa dạng và phong phú hơn.
Trong các phần thi giao lưu đồng đội, năng khiếu, hùng biện, các em học sinh từ 15 huyện, thị xã, thành phố đã mang đến những tiết mục đa dạng, giới thiệu về văn hóa đời sống, trang phục, lễ hội, món ăn đặc sắc của từng địa phương trong tỉnh. Qua đó, các em được rèn luyện kỹ năng giao tiếp trước đám đông, thấy được sự đa dạng, phong phú của tiếng Việt, giúp các em cảm thấy tự tin hơn và đặc biệt là hiểu nhiều hơn về văn hóa của các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn.
Em Mạc Thị Kim Ánh, người dân tộc Sán Dìu, đến từ huyện M’Đrắk đoạt giải Nhất trong phần thi hùng biện. |
Theo đánh giá của cô Thái Thị Mỹ Bình, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT), Giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” lần này có tới 16 dân tộc đến từ các địa phương khác nhau tham gia, trong đó có cả những dân tộc ít người như Sán Dìu, Lào… Chính vì vậy mà nội dung các em trình bày trong các phần thi cũng đa dạng hơn, có nhiều tiết mục xuất sắc thể hiện được đặc trưng văn hóa từng dân tộc. Trong phần thi hùng biện, khán giả rất ấn tượng với bài hùng biện của em Mạc Thị Kim Ánh, người dân tộc Sán Dìu, đến từ Phòng GD-ĐT huyện M’Đrắk. Với dáng dấp tự tin, giọng nói mượt mà, Ánh đã thể hiện được tình cảm của mình đối với buôn làng; với những nếp nhà sàn; với trang phục truyền thống của các bà, các mẹ; với những món ăn mang đậm bản sắc dân tộc và thành công hơn nữa là tình cảm đó đã chạm được đến trái tim của người nghe.
“Non xa xa, nước xa xa. Nào phải thênh thang mới gọi là…” là những câu hát then mượt mà được các em học sinh dân tộc Tày đến từ Phòng GD-ĐT huyện Krông Năng thể hiện trong phần thi giao lưu đồng đội của mình. Tiếng hát then, đàn tính của các diễn viên nhí không chuyên đã thực sự khiến người xem phải trầm trồ khen ngợi. Các em đã thể hiện xuất sắc đặc trưng của văn hóa Tày, Nùng qua cây đàn tính. Em Nông Thị Thùy Linh, lớp 3A2, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (huyện Krông Năng) phấn khởi bày tỏ: “Tham gia Chương trình giao lưu này em vui lắm! Được mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình và trình diễn cho các bạn xem. Em thấy văn hóa các dân tộc khác cũng rất thú vị!”.
Minh họa cho phần giao lưu đồng đội của đơn vị Phòng GD-ĐT huyện Buôn Đôn là tiết mục dân ca Êđê “Ru em mùa tuốt lúa”. Tiếng nhạc cụ dân tộc truyền thống âm vang, tiếng hát khỏe khoắn của các em học sinh người Êđê trên sân khấu mô phỏng bức tranh sinh hoạt sống động đầy màu sắc đã khiến cho người nghe cảm giác như được hòa mình vào không gian của nhà sàn, bến nước của buôn làng Êđê. Em H’Phương Linh Êban, học sinh lớp 3E, Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, huyện Buôn Đôn, một giọng ca nhí xuất sắc trong tiết mục “Ru em mùa tuốt lúa” cho hay, tham gia Chương trình giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” giúp em trau dồi các kỹ năng sử dụng tiếng Việt và được làm quen với các bạn người dân tộc khác khiến em vô cùng thích thú. Đặc biệt là trước kia em không biết dân tộc Lào như thế nào, ăn mặc ra sao nhưng qua giao lưu em đã biết thêm được những nét đặc trưng của người Lào.
Cô Nguyễn Thị Hà, giáo viên Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng (huyện Cư Kuin) chia sẻ, được thể hiện văn hóa của dân tộc mình qua hình thức sân khấu hóa khiến các em học sinh rất thích thú. Qua giao lưu, các em được trau dồi vốn tiếng Việt và hiểu thêm đặc trưng văn hóa của nhiều dân tộc khác nhau.
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc