Multimedia Đọc Báo in

Đội chiêng Jhô Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Krông Ana: Hướng các em đến những giá trị cội nguồn

10:44, 01/04/2017

Đến thăm Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Krông Ana vào một buổi sáng đầu tuần, chúng tôi bị thu hút bởi tiếng chiêng Jhô vang lên nhịp nhàng do các em học sinh nữ của trường diễn tấu.

Cô Trần Thị Ngọc Tú, Tổng phụ trách Đội cho biết, trường có 157 học sinh, trong đó 70% là người Êđê. Đội chiêng Jhô được thành lập từ năm 1994, thời gian đầu chỉ có 6 em biết đánh chiêng. Để duy trì hoạt động của đội, nhà trường đã mời các nghệ nhân nữ ở Buôn Trấp đến để phát hiện những em có năng khiếu, hướng dẫn cách sử dụng chiêng, sau đó thực hiện phương châm người biết trước dạy người đến sau nên thường sau những tiết học trên lớp các em lại cùng nhau luyện tập. Hiện tại, đội chiêng có gần 20 em, thường biểu diễn trong những chương trình do nhà trường tổ chức và các lễ hội của người Êđê tại địa phương như lễ mừng lúa mới, cúng bến nước…

Em H’Kô Nia tâm sự, ngay từ khi mới vào trường em đã tự nguyện đăng ký tham gia vào đội chiêng để có cơ hội học hỏi, sau gần 3 năm luyện tập giờ đây em có thể đánh được 6 bài phổ biến như: Wăk Wây, Drông Tuê, Hơk Hơk… Còn em H’Đinh Bkrông chia sẻ, khi còn nhỏ em đã được mẹ dạy đánh chiêng nhưng vẫn còn khá mơ hồ, nhất là việc phải đếm và đánh sao cho đúng nhịp để không làm lạc điệu của cả đội. Khi được học bài bản trong trường, em đã thấy tự tin hơn khi diễn tấu, đồng thời việc luyện tập cùng các bạn sau những giờ học trên lớp còn giúp tình cảm giữa em với các bạn trong lớp, trường thêm gắn kết hơn.

Đội chiêng nữ  luyện tập sau giờ lên lớp.
Đội chiêng nữ luyện tập sau giờ lên lớp.

Bà H’Rưu H’mok, nghệ nhân đánh chiêng Jhô ở Buôn Trấp cho biết, mặc dù dạy đánh chiêng cho các em nhỏ mất rất nhiều thời gian nhưng khi được nhà trường mời về dạy, bà đồng ý ngay vì nghĩ đây là cơ hội để phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc cho thế hệ trẻ. Khi dạy, bà H’Rưu không chỉ chỉnh sửa, uốn nắn từng động tác đánh chiêng, cách cầm dùi mà còn hướng dẫn phong thái khi biểu diễn, cách cảm thụ âm điệu. Nhờ đó, từng bước chân, xoay người của các em giờ đây đã hòa với âm thanh của tiếng chiêng, tiếng trống một cách nhịp nhàng.

Bà H’Rưu cho biết thêm, dàn chiêng Jhô có 6 chiếc, chia thành 3 cặp gồm: cặp chiêng mẹ, cặp chiêng con và cặp chiêng bố, đi kèm với trống H’Gơr có vai trò giữ nhịp cho toàn bộ dàn chiêng diễn tấu đúng trình tự, theo từng cung bậc đã tạo nên những hợp âm khác nhau. Tiếng chiêng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với người Êđê, đặc biệt tiếng chiêng cất lên bởi những người phụ nữ được xem là tiếng lòng của họ với đất trời, tổ tiên và gia đình. Khi diễn tấu chiêng Jhô, đội chiêng thường di chuyển theo vòng tròn từ phải qua trái theo hướng ngược chiều với thời gian hàm ý như ngược về nguồn cội.

Theo thầy Lương Đức Thuận, Hiệu trưởng nhà trường, ngoài việc giảng dạy theo chương trình quy định, nhà trường còn thường xuyên lồng ghép những hoạt động vui chơi giải trí như: thành lập các câu lạc bộ âm nhạc, bóng chuyền, cờ vua, bóng bàn, tổ chức trò chơi dân gian, thi ẩm thực, gói bánh chưng… để các em có điều kiện tiếp cận với bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc mình. Nhờ đó, những năm qua nhà trường luôn đoạt giải cao trong các cuộc thi như: giải Nhất  Hội thi “Tiếng hát dân ca” năm 2015,  giải  Nhì “Giai điệu tuổi hồng” năm 2016.

Trước sự giao thoa văn hóa như hiện nay thì việc giáo dục cho các em học sinh biết giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc như trường Phổ thông Dân tộc nội trú Krông Ana là một cách làm hay cần được nhân rộng để hướng các em đến những giá trị cội nguồn cao quý. 

       Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.