Multimedia Đọc Báo in

Học lịch sử qua hoạt động ngoại khóa

10:51, 01/04/2017

Nhân dịp kỷ niệm 42 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột (10-3-1975 – 10-3-2017), Bảo tàng tỉnh tổ chức giao lưu, gặp mặt các lão thành cách mạng. Đến tham dự chương trình có hơn 200 học sinh của một số trường học trên địa bàn thành phố.  

 Điều khá đặc biệt là dù phần giao lưu diễn ra liên tục trong thời gian khá dài (gần 3 giờ đồng hồ), tuổi học trò vốn hiếu động, nghịch ngợm, nhưng các em lại ngồi rất trật tự, chăm chú lắng nghe như muốn nhớ trọn mọi lời kể của các nhân chứng sống. Theo dòng cảm xúc của người kể về những kỷ niệm, rất nhiều học sinh không kìm được dòng nước mắt, bày tỏ cảm phục ý chí kiên cường, anh dũng của quân và dân tỉnh nhà về chiến thắng lịch sử 10-3 nói riêng và trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước nói chung.   

Khác với việc nghiên cứu tư liệu lịch sử qua sách báo, đến đây, các em được trực tiếp lắng nghe các bậc lão thành cách mạng - người trong cuộc thuật lại tường tận diễn biến các sự kiện, chiến dịch. Có lẽ vì vậy mà khi đến phần đối thoại với nhân chứng, rất nhiều cánh tay học sinh đưa lên, có câu hỏi rất vô tư, hồn nhiên, nhưng cũng không ít câu sâu sắc. Các bậc lão thành cách mạng sử dụng ngôn ngữ bình dị, sự trải nghiệm thực tế, cảm xúc thực sự… để giải đáp cụ thể, dễ hiểu nhất cho học sinh. Trong số đó, có những thắc mắc chưa tìm được lời giải đáp thỏa đáng trong tài liệu sách vở, thì nay học sinh đã được các bác trả lời bằng những thông tin sống động. Cứ như thế, khoảng cách giữa 2 thế hệ như được rút ngắn, buổi giao lưu càng lúc càng thêm hấp dẫn học sinh.    

 Có nhiều cách truyền tải thông tin lịch sử đến với học sinh, đoàn viên, thanh niên: tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, tỉnh, thành phố, đơn vị; sinh hoạt văn hóa, văn nghệ; sách, báo… Thực tế, môn học Lịch sử thường được đánh giá là khô khan, khó nhớ bởi thường có rất nhiều số liệu lại phong phú, đa dạng về sự kiện. Vì vậy, để môn Lịch sử đến gần hơn, đồng thời tạo sự hứng thú với học sinh cần phải có cách truyền đạt dễ hình dung, dễ hiểu hơn nữa. Trong đó, việc giao lưu, gặp gỡ các bậc lão thành cách mạng sẽ giúp các bạn trẻ hiểu và cảm nhận sinh động về lịch sử, qua đó thêm tự hào về truyền thống nước nhà. 

Song Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.