Multimedia Đọc Báo in

Những cô giáo "giỏi việc trường, đảm việc nhà"

15:12, 23/04/2017

Trong những năm qua, nhiều giáo viên các trường học tại TX. Buôn Hồ đã nỗ lực vượt khó vừa làm tốt công việc giảng dạy, vừa làm tốt thiên chức của người phụ nữ trong gia đình, trở thành những tấm gương sáng trong phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

Năm 1983, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm Đắk Lắk, cô Phạm Thị Hiền được phân công về giảng dạy tại Trường Tiểu học Quang Trung.  Hơn 30 năm gắn bó với nghề, bằng tinh thần nhiệt huyết, lòng đam mê, yêu nghề, mến trẻ và ham học hỏi, cô Hiền luôn cố gắng trau dồi kiến thức để có những bài giảng hay, xây dựng phương pháp giảng dạy khoa học để truyền đạt kiến thức cho học sinh. Cô gần gũi, yêu thương học trò như chính con của mình. Cô đã nhiều lần được công nhận giáo viên dạy giỏi và giáo viên chữ đẹp cấp tỉnh; nhiều năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tin tưởng vào trình độ chuyên môn của cô, nhiều năm qua, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Quang Trung đã giao cho cô làm tổ trưởng chuyên môn của nhà trường.

Cô Phạm Thị Hiền đang chăm sóc vườn tiêu của gia đình.
Cô Phạm Thị Hiền đang chăm sóc vườn tiêu của gia đình.

Không chỉ giỏi việc trường, cô giáo Phạm Thị Hiền còn là một người vợ hiền, người mẹ tần tảo, mẫu mực trong gia đình. Ngoài giờ lên lớp, cô cùng chồng chăm sóc 1 ha cà phê. Năm 2002, nhận thấy vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp, cô đã bàn với chồng chuyển đổi 2 sào cà phê sang trồng hồ tiêu và xen canh một số loại cây trồng khác trên diện tích cà phê còn lại; đồng thời mua thêm 2 con bò sinh sản về nuôi. Hiện nay, mỗi năm gia đình cô Hiền thu hoạch gần 3 tấn cà phê nhân, gần 1 tấn hồ tiêu khô và các loại cây trồng khác, thu nhập ổn định để lo cho con cái học hành. Hiện nay, cậu con trai đầu của cô đã trở thành một kỹ sư ngành điện; cậu con trai thứ hai đang theo học Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh năm thứ nhất và đã được kết nạp vào Đảng.

Nhắc đến cô giáo Võ Thị Khang (Trường Tiểu học Kim Đồng), bạn bè, đồng nghiệp, bà con láng giềng ai cũng thán phục sự đảm đang, tần tảo và nỗ lực vượt khó của cô. Hơn 10 năm nay, khi chồng lâm trọng bệnh, một mình cô Khang vừa phải hoàn thành tốt việc giảng dạy vừa chu toàn việc nhà, chăm sóc chồng ốm đau, nuôi dạy các con và chăm sóc 1,5 ha cà phê.

Thậm chí có thời gian chồng nằm viện liền 2 tháng để chạy thận, cô Khang phải “xoay như chong chóng” để vừa chăm sóc chồng con vừa bảo đảm không ảnh hưởng đến công việc giảng dạy ở trường. Ngày đi dạy cô nhờ anh em, bà con giúp chăm sóc chồng; hết giờ ở trường, cô chỉ kịp ghé qua nhà xem các con ăn học ra sao rồi lại đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Cô Khang tâm sự: “Có những cái tết, tôi chỉ kịp về sắm sửa sơ qua đồ tết cho các con, còn hai vợ chồng ăn tết luôn ở bệnh viện… Tôi chỉ có một điều ước là mong sao cho chồng khỏi bệnh, con cái chăm ngoan, học giỏi”.

Cô Võ Thị Khang.
Cô Võ Thị Khang.

Không phụ lòng mong mỏi của mẹ, các con cô luôn cố gắng chăm ngoan, học giỏi, biết chia sẻ, đỡ đần mẹ. Ước mơ trở thành cô giáo theo nghiệp của mẹ, con gái đầu của cô Khang giờ đang là sinh viên ngành Sư phạm tiểu học Trường Đại học Tây Nguyên; cô con gái thứ hai cũng là học sinh giỏi của Trường THPT Buôn Hồ.

Hoàn cảnh gia đình như thế nhưng cô Khang vẫn hoàn thành tốt công tác giảng dạy, được đồng nghiệp và học sinh tin yêu, kính trọng. Nhiều năm liền, cô đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi và giáo viên chủ nhiệm giỏi. Đặc biệt, trong ba năm (2013, 2014, 2015), lớp bồi dưỡng học sinh giỏi của cô đều có học sinh tham dự các kỳ thi học sinh giỏi cấp Quốc gia. Với học sinh, cô như một người mẹ hiền, luôn hiểu, quan tâm đến hoàn cảnh của từng em để động viên, khuyến khích kịp thời.

Hoàng Văn Tuấn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.