Học văn như thế, nên chăng?
Còn nhớ cách đây chừng 20 năm, khi tôi đang học phổ thông, mỗi khi có bạn trong lớp đạt điểm 9 bài tập làm văn thì đó phải là bài văn rất xuất sắc. Và bài văn đó thường được thầy cô giáo đọc cho cả lớp nghe để học tập.
Những bài văn đạt điểm 8, 9 (điểm 10 rất hiếm) thường dạt dào cảm xúc, lập luận rất chặt chẽ và thường “rơi” vào nhóm những bạn học rất giỏi môn văn, có năng khiếu về văn học.
Bây giờ, xem bảng điểm môn ngữ văn của lớp cô con gái đang học trung học cơ sở, tôi không khỏi giật mình: rất nhiều cháu có điểm tổng kết môn ngữ văn cả năm từ 8,0 đến trên 9,0, thậm chí 9,5. Không biết các cháu cảm thụ văn học ra sao, làm văn thế nào mà điểm số thật xuất sắc. Có phải tôi đã sai khi dạy con gái mình học văn theo cách “cổ lỗ sỹ” là viết lên những cảm nhận riêng của mình? Điểm trung bình môn văn của con gái tôi chỉ đạt trên 7,0. Phần lý thuyết trong các bài kiểm tra hầu hết cháu đều đạt điểm cao do cháu chịu khó soạn bài, đọc trước bài và học kỹ phần cô dạy trên lớp. Riêng bài tập làm văn thường không đạt điểm cao, theo giải thích của con gái tôi thì nguyên nhân là bởi “bài văn của con không giống bài văn của các bạn. Các bạn đi học thêm văn, được cô cho đề cương ôn tập, cho bài văn mẫu để học thuộc, còn con chỉ học trong sách, tự lập dàn ý rồi viết văn theo suy nghĩ và cảm xúc của mình”.
Xem các bài văn của con, tuy chưa xuất sắc nhưng tôi cũng mừng vì cháu thể hiện cảm xúc chân thật, có sự sáng tạo, biết sử dụng biện pháp so sánh, ẩn dụ… Tôi thầm nghĩ, nếu ở thời mình đi học, những bài văn này phải đạt từ 8 đến 9 điểm. Chẳng lẽ việc học văn thời nay khác đi hay sao? Viết văn không phải là sự sáng tạo của chính bản thân, viết ra cảm xúc từ trái tim mình mà phải viết giống văn của cô, giống văn mẫu mới được điểm cao hay sao? Vậy thì điểm tổng kết môn văn cao ngất ngưởng kia có còn là điểm thật của các cháu?
Minh Ngọc
Ý kiến bạn đọc