Khởi sắc giáo dục ở vùng biên
Sau nhiều năm mong mỏi, năm học 2017-2018, một ngôi trường mầm non khang trang nay đã hiện diện tại trung tâm huyện Ea Súp. Đó là Trường Mầm non Tuổi Thơ có tổng kinh phí đầu tư xây dựng gần 15 tỷ đồng vừa được khánh thành, đưa vào sử dụng - ngôi trường tư thục đầu tiên ở huyện vùng biên.
Cô giáo Nguyễn Thị Biên, nguyên Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng, thị trấn Ea Súp - một trong những người định cư tại huyện khá sớm và gắn bó với sự nghiệp trồng người cho đến lúc nghỉ hưu chia sẻ: “Tôi vẫn thầm mơ ước huyện sẽ có được một ngôi trường mầm non khang trang, hiện đại. Điều đó đã thành hiện thực. Không riêng gì tôi mà nhiều bậc phụ huynh trong huyện rất vui mừng, họ ví ngôi trường này như một tòa lâu đài”.
Cùng với một số thầy, cô giáo khác, năm 1978 cô Biên vào huyện Ea Súp nhận công tác theo chương trình chi viện giáo viên cho Đắk Lắk. Trong tâm thức của cô Biên, huyện Ea Súp lúc mới thành lập rất rất hoang vu, xung quanh bạt ngàn rừng, dân cư sinh sống rải rác. Cô Biên được phân công về giảng dạy lớp tiểu học tại xã Ea Lê - lúc ấy chưa có trường mầm non, trung học cơ sở, còn giáo viên chỉ có vài người cắm buôn. Thấm thoát 40 năm, chứng kiến huyện biên giới trên đường phát triển, trong đó có sự nghiệp Giáo dục, hơn ai hết cô Biên lòng rộn ràng niềm vui xen lẫn tự hào vì có một phần đóng góp công sức nhỏ bé của mình.
Cũng là người gắn bó với sự nghiệp Giáo dục huyện Ea Súp khá sớm và đang làm Phó Trưởng Phòng GD-ĐT huyện, thầy giáo Bùi Văn Đức rất vui mừng khi quy mô mạng lưới trường lớp của huyện hiện nay cơ bản ổn định. Toàn huyện có 46 trường học, gồm: 16 trường mầm non, 18 trường tiểu học, 1 trường tiểu học và trung học cơ sở, 11 trường trung học cơ sở, với 16.230 học sinh, trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm 52%.
Học sinh Trường Mầm non Tuổi Thơ (huyện Ea Súp). |
Trong những năm qua, ngành Giáo dục huyện đã triển khai tích cực các kế hoạch chương trình thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong đó tập trung triển khai thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, chương trình giáo dục mầm non mới, triển khai nhiều chương trình dự án như: Chương trình SEQAP, Dự án VNEN, Chương trình dạy học tiếng Việt 1-Công nghệ giáo dục, Đề án dạy học ngoại ngữ, phương pháp bàn tay nặn bột ở trường phổ thông, Chương trình trường học kết nối, Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020…
Cùng với đó, Phòng GD-ĐT huyện đã tiếp tục triển khai các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành đến tất cả cơ sở giáo dục nhằm thực hiện tốt phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”; chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng để giáo dục học sinh. Nhờ đó chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn của huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Đơn cử như năm học 2016-2017, về giáo dục trung họccơ sở có 98% học sinh đạt hạnh kiểm khá, tốt; gần 50% học sinh đạt học lực khá, giỏi, tăng 0,5 % so với năm học trước. Về giáo dục mũi nhọn, năm học qua có 221 học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp huyện; 117 học sinh giỏi cấp tỉnh; có 1 học sinh đoạt giải quốc gia “Cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn giải quyết các vấn đề thực tiễn”. Ngoài ra, học sinh huyện còn đoạt nhiều giải cao tại các hội thao, hội thi do ngành Giáo dục các cấp tổ chức. Đặc biệt, toàn huyện đã có 7 trường học đạt chuẩn quốc gia, trong đó riêng tại xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới Ia R’vê có 2 trường học đạt chuẩn.
So với nhiều địa phương trong tỉnh, ngành Giáo dục huyện biên giới Ea Súp còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Tuy nhiên, với sự quan tâm đặc biệt của chính quyền địa phương cũng như tâm huyết và quyết tâm của đội ngũ cán bộ quản lý, các thầy cô giáo, tin tưởng rằng giáo dục ở vùng biên ngày càng khởi sắc, góp phần vào chất lượng chung của toàn ngành.
UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi công đầu tư xây dựng dự án “Kiên cố hóa trường lớp học mầm non và tiểu học giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn huyện Ea Súp” với tổng kinh phí 19,2 tỷ đồng từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ để xây dựng mới công trình nhà lớp học mầm non và tiểu học tại 6 xã đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, trong 2 năm 2017 và 2018, huyện còn được đầu tư 10 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu ổn định dân di cư tự do để xây dựng cơ sở vật chất cho Trường Mầm non Hoa Ban và Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (xã Cư K’bang). |
Gia Nguyên
Ý kiến bạn đọc