Multimedia Đọc Báo in

Lớp học của những tấm lòng

13:31, 28/08/2017

Từ cuối tháng 7 đến nay, vào những ngày cuối tuần, cứ sau bữa cơm tối là nhiều bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại buôn Ê Căm (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) lại bảo nhau về nhà văn hóa cộng đồng để học cái chữ.

Một tay bế con, một tay cầm cuốn vở bước vội vào lớp, chị H’Pil Niê (40 tuổi) là một trong những “học sinh” siêng năng nhất của lớp học. Từ khi mở lớp đến nay, chưa buổi học nào chị vắng mặt và chỉ sau gần 1 tháng, chị đã bắt đầu có thể đánh vần, ghép vần, đọc chữ và các phép tính toán đơn giản. “Lười” hơn một chút, ông Y Nghiệp Byă năm nay cũng đã 50 tuổi nhưng vẫn tham gia học chữ tại đây, chỉ hôm nào đi rẫy về trễ quá ông mới không đến lớp đúng giờ nên việc tiếp thu cái chữ đối với ông có phần chậm hơn mọi người. Cứ như thế, khoảng 7 giờ tối các ngày thứ sáu, bảy và chủ nhật, bà con buôn Ê Căm lại có mặt tại nhà văn hóa cộng đồng. Nhiều người tuổi cao, lại mới tiếp xúc lần đầu với việc học, nên nhiều khi phải “đánh vật” với  con chữ. Vất vả là thế, nhưng đáng mừng là không ai bỏ học giữa chừng mà số lượng học viên đã tăng từ 30 người ban đầu, nay đã lên trên 40 học viên. Ông Y Nghiệp chia sẻ, không biết cái chữ rất khổ, ở nhà cái gì cũng phải hỏi con cháu vì không biết được. “Được tham gia lớp học, nay đã biết đọc, viết tên của mình nên tôi rất tự hào, nhất là lũ con cháu trong nhà, giờ không dám trêu chọc mình nữa”, ông Y nghiệp nói.

Học viên đang say sưa với việc học chữ.
Học viên đang say sưa với việc học chữ.

Lớp học trên là một trong những lớp xóa mù chữ do Huyện Đoàn phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Krông Ana và Câu lạc bộ Khát vọng xanh tổ chức vào các dịp hè. Anh Đào Đức Hiệp, nguyên Phó Bí thư Huyện Đoàn, người tiên phong xây dựng ý tưởng và trực tiếp giảng dạy từ những lớp học đầu tiên cho biết, khi  tham gia sinh hoạt và tiếp xúc nhiều với đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều lần chứng kiến cảnh đồng bào điểm chỉ trong các giao dịch dân sự, vay vốn… mà không thể viết nổi tên mình nên anh đã đề xuất ý tưởng tổ chức các lớp học này. Anh Hiệp chia sẻ thêm, rất may ý tưởng trên đã nhận được sự đồng tình của chị Lê Thị Thanh Hảo (nguyên Bí thư Huyện Đoàn), chị  Nguyễn Thị Vân (Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện) và các giáo viên đang sinh hoạt tại Câu lạc bộ Khát vọng xanh nên ý tưởng đã được thực tế hóa và đây là năm thứ hai liên tiếp lớp học này được duy trì.

Việc mang con chữ về buôn làng cho bà con được phân công dựa trên sự tự nguyện của các thành viên nên mọi người đêu cố gắng thu xếp công việc và thể hiện sự tận tâm của mình đối với lớp học. Như anh Đào Đức Hiệp nay không còn là cán bộ đoàn, nhưng vẫn gắn bó với lớp học. Hay thầy Nguyễn Tuấn Hiếu (Trường THCS Dur Kmăl), cô Hoàng Thị Hạnh (Trường Mầm non Buôn Trấp), thầy Lê Trọng Thủy (Trường PTDT nội trú Krông Ana)… Cùng với đó, nội dung học tập cũng được xây dựng phù hợp với thực tế của bà con như dạy chữ cái, phép tính đơn giản, lồng ghép tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật  của Nhà nước (Luật Giao thông đường bộ, Luật Hôn nhân và Gia đình, các vấn đề về giáo dục sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình…) nên đã thu hút được bà con đều đặn đến với lớp học. Chẳng hạn như hai lớp học đầu tiên được mở tại buôn Kmăl và buôn Krang (xã Dur Kmăl) với hơn 40 học viên lứa tuổi 40-50 tham gia. Nhưng sau 3 tháng học tập số học viên tăng lên gần 80 học viên, 100% chị em học viên đã biết đánh vần, biết đọc, biết viết và biết các phép tính toán đơn giản; tất cả các chị đều có thể đọc sách, báo...

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.