Multimedia Đọc Báo in

Chuyện về "cõng" chữ ở trường vùng biên

16:33, 27/10/2017

Dù hành trình “cõng” chữ ở xã Cư Kbang (huyện Ea Súp) gặp rất nhiều khó khăn, nhưng các thầy cô nơi đây vẫn cố gắng hết mình để chắp cánh ước mơ bay xa cho các em.

Gian nan vượt khó

Cách trung tâm huyện Ea Súp khoảng 17 km, xã Cư Kbang hiện có 98% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Đa số họ đều là người Mông, Tày, Dao… di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc đến. Theo bố mẹ vào Tây Nguyên lập nghiệp, hoặc được sinh ra tại mảnh đất này, hầu hết thiếu nhi trong độ tuổi đến trường đều rất khó khăn khi tiếp cận với con chữ.

Để các em có một môi trường học tập thuận lợi nhất, xã Cư Kbang đã xây dựng các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở. Đặc biệt, tại khu tập trung dân di cư tự do (các thôn 14, 15, 16 và 3 cụm dân cư: 8, 9, 10) đã được đầu tư xây dựng các trường: Mầm non Hoa Ban và Tiểu học Lê Hồng Phong.

Một  buổi học  của  học sinh Trường Tiểu học Lê Hồng Phong.
Một buổi học của học sinh Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (xã Cư Kbang)

Chúng tôi ghé thăm Trường Tiểu học Lê Hồng Phong gần vào giờ trưa. Giữa bộn bề khó khăn, các em học sinh vẫn chăm chú lắng nghe từng con chữ mà giáo viên truyền dạy. Vốn là phân hiệu II của Trường Tiểu học Kim Đồng, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong được tách ra từ năm 2009. Thời gian đầu thành lập, trường chỉ có những phòng học tạm, cơ sở vật chất thiếu thốn. Hiện nay, trường đã có 12 phòng học, trong đó 11 phòng là nơi học tập cho 750 học sinh và 1 phòng “đa chức năng” để cô hiệu trưởng, các thầy cô phụ trách công tác Đoàn, Đội, kế toán… cùng làm việc. Cô Hoàng Thị Chung, Hiệu trưởng Trường tâm tình, chỉ riêng việc duy trì sĩ số đã là một nỗ lực lớn của thầy và trò. Với tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu, chúng tôi luôn cố gắng hết sức mình để mang lại cho các em những điều tốt đẹp nhất. 

Hệ thống cổng trường, tường rào của Trường Tiểu học Lê Hồng Phong nhiều năm nay vẫn chưa thể hoàn thiện.
Hệ thống cổng trường, tường rào của Trường Tiểu học Lê Hồng Phong nhiều năm nay vẫn chưa thể hoàn thiện.

Có một thực tế là dù được tạo điều kiện thuận lợi, nhưng hành trình mang con chữ đến với các em rất khó khăn, nguyên nhân chủ yếu do nhận thức và tập quán sinh sống của nhiều gia đình.

Ở Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, khi mới nhập học, rất nhiều em không biết tiếng phổ thông, chính sự bất đồng ngôn ngữ khiến quá trình tiếp thu kiến thức của các em rất chậm. Chưa kể, nhiều em theo bố mẹ vào rừng làm rẫy, sống tách biệt với bên ngoài nên khi tiếp xúc với môi trường khá bỡ ngỡ, rụt rè. Một số em không có giấy khai sinh do bố mẹ tảo hôn, hoặc di cư từ ngoài Bắc vào đã mất hết giấy tờ... khiến việc nhập học và quản lý các em khá vất vả.

Nỗi lo lớn nhất của các thầy cô giáo ở đây là việc học sinh bỏ học giữa chừng. Cứ vào vụ mùa, hoặc sau hè lại diễn ra tình trạng học sinh không chịu đến lớp, nhất là học sinh trung học cơ sở. Không chỉ gia đình mà chính nhiều em có suy nghĩ, biết chữ rồi thì ở nhà phụ bố mẹ trông em, làm rẫy để kiếm cái ăn. Chính vì thế mà vào mùa thu hoạch, rất nhiều học sinh theo bố mẹ lên rừng hoặc đến nơi khác kiếm thêm thu nhập.

Nỗi lòng người “gieo" chữ

Để vận động các em, giáo viên chủ nhiệm, đại diện nhà trường nhiều khi phải vượt cả quãng đường hơn 20 km, vào tận rẫy trò chuyện, tìm hiểu nguyên nhân cụ thể. Chuyện đã qua cách đây vài năm, nhưng Cô Hoàng Thị Lan (Trường Tiểu học Lê Hồng Phong) vẫn nhớ như in trường hợp của em Giàng Thị Nga. Nga là lớp trưởng, học rất khá, nhưng cứ dăm bữa nửa tháng lại nghỉ vài ngày. Tìm hiểu ngọn ngành mới cô mới biết, mẹ bỏ đi, Nga cùng các em sống với bà nội và bố, để phụ bố lo cái ăn cho cả nhà, em bỏ học đi đào củ mì, nhiều khi sang tận huyện Ea H’leo. Để hỗ trợ học trò, cô Lan đã vận động các cá nhân, tập thể hỗ trợ học phí, gạo, mì tôm hằng tháng cho gia đình. Cũng nhờ đó, Giàng Thị Nga chuyên tâm học tập, đạt kết quả tốt…

 

“Mỗi lần nhìn thấy nụ cười trong trẻo của các em học sinh, tôi và đồng nghiệp như có thêm động lực để cố gắng hơn. Nếu ai cũng muốn gần gia đình, thì ai sẽ đứng lớp ở những nơi xa xôi thế này” 

 

Cô Hoàng Thị Lan, giáo viên Trường Tiểu học Lê Hồng Phong

Đại đa số thầy cô giáo công tác tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong đều đến từ các xã, huyện khác. Dù khác nhau về hoàn cảnh, quê hương, nhưng họ vẫn gắn bó, tâm huyết với nghề dạy chữ. Cô giáo Hoàng Thị Lan là một điển hình như thế. Gắn bó với trường từ khi mới thành lập, đến nay cô đã xây dựng gia đình, chồng và con nhỏ đang sinh sống ở Cư M’gar. Vì khoảng cách địa lý quá xa, đi lại không thuận lợi nên chỉ tranh thủ ngày nghỉ, cuối tuần, cô mới có thể về thăm gia đình.

Khó khăn chung ở những nơi vùng sâu thì ai cũng biết, nhưng những điều mà các thầy cô nơi đây phải trải qua từng ngày thì ít ai thấu được. Giao thông cách trở, hàng quán không nhiều lại quá xa nên có khi cả tuần bữa ăn cũng chỉ có mì tôm và cá khô. Đó là chưa kể đến nơi ở còn quá tạm bợ. Do ở xa gia đình nên các giáo viên phải ở khu tập thể, thế nhưng phòng ở lại thiếu hụt trầm trọng.

Trường Tiểu học Lê Hồng Phong có 40 giáo viên thì đã có 20 người có nhu cầu ở nhà tập thể. Tuy nhiên, trường chỉ có 4 phòng, rộng khoảng 20 m2 nên họ phải chia ra để ở chung. Không chỉ vậy, thời gian này các thầy cô phải chia sẻ 2 phòng tập thể cho công nhân xây dựng tại trường khiến không gian sống thêm chật hẹp. Có những thời điểm, nhất là giờ nghỉ trưa, mỗi phòng có hơn 10 giáo viên cùng ở, cùng ăn, cùng nghỉ tạm để lấy sức cho giờ dạy buổi chiều…

Nghề “gieo” chữ đối với giáo viên vùng sâu vùng xa thật khó để nói hết những khó khăn, vất vả. Vượt lên tất cả, chỉ cần các em chăm chỉ, nỗ lực trong học tập là món quà ý nghĩa để các thầy cô thêm ấm lòng.

Ánh Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.