Các ngành khối nghệ thuật chật vật tuyển sinh
Năm 2017, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk có kế hoạch tuyển 310 chỉ tiêu hệ cao đẳng (CĐ) và hệ trung cấp thuộc các ngành đào tạo.
Tuy nhiên kết thúc 2 đợt tuyển sinh, nhà trường chỉ mới tuyển sinh được 136 học sinh, sinh viên (HSSV); trong đó hệ CĐ có 70 sinh viên, đạt tỷ lệ 41,1% và hệ trung cấp là 66 học sinh (đạt 47,1%). Tuy nhiên đến nay chỉ có 119 học sinh trúng tuyển đăng ký nhập học ở cả hai hệ đào tạo.
Đáng nói ở một số mã ngành đào tạo số lượng HSSV đăng ký dự tuyển rất thấp. Cụ thể đối với hệ trung cấp: ngành Sư phạm Mỹ thuật chỉ tuyển được 5 học sinh, ngành Múa 7 học sinh, ngành Thanh nhạc 11 học sinh; còn ở hệ CĐ: ngành Quản lý Văn hóa và ngành Thanh nhạc mỗi ngành chỉ có 15 sinh viên…
Lớp trung cấp Sư phạm Mỹ thuật năm 2017 tuyển sinh đợt 2 chỉ có một thầy, một trò. |
Có mặt tại lớp Mỹ thuật hệ trung cấp mới đây, chúng tôi chứng kiến cảnh lớp học rộng thênh thang nhưng chỉ duy nhất có một thầy, một trò. Cô Vương Thị Yên, giáo viên dạy môn Mỹ thuật cho hay: “Ở đợt đầu, ngành trung cấp Mỹ thuật tuyển được 3 em, còn đợt 2 tuyển được 2 em nhưng chỉ mới có 1 em đến học. Lớp học có quá ít học sinh khiến không khí học tập trầm lắng; chưa kể cùng một môn học nhưng do tuyển sinh 2 đợt nên giáo viên phải dạy 2 lần”.
Không chỉ có giáo viên mà cả học sinh cũng cảm thấy buồn vì quá ít người học. Em Y Steven Niê, học sinh duy nhất ngành trung cấp Mỹ thuật năm học 2017-2018 nói: “Em thích vẽ từ nhỏ, nên quyết tâm theo đuổi ngành Sư phạm Mỹ thuật để sau này có thể dạy vẽ cho nhiều học sinh. Học một mình một lớp cũng thấy buồn, nhưng hy vọng đến môn học thực hành sẽ được học cùng với các bạn tuyển sinh đợt 1”.
Trường học vắng vẻ, lớp học đìu hiu là hình ảnh không xa lạ với thầy cô giáo và HSSV Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk những năm gần đây. |
Ông Trần Văn Phước, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk chia sẻ, nhiều năm nay, tình trạng thí sinh dự thi vào các ngành nghệ thuật không nhiều mà ngày càng có xu hướng giảm. Năm học này, dự báo trước tình hình khó khăn nên nhà trường đã chủ động và có nhiều đổi mới trong công tác tuyển sinh, như: đến nhiều trường THPT trong tỉnh tư vấn hướng nghiệp, tăng cường công tác truyền thông để thí sinh hiểu rõ hơn về các ngành này. Trong đó đã biên dịch thông báo tuyển sinh ra nhiều thứ tiếng dân tộc thiểu số để thông báo trên Đài Tiếng nói Việt Nam… Dù đã “xoay” đủ cách nhưng số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển vào trường vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Năm nay nhà trường được đầu tư một khoản kinh phí không nhỏ để xây dựng một phòng chức năng với đầy đủ trang thiết bị cũng như ưu tiên chỉ tiêu tuyển sinh cho 4 mã ngành đào tạo mới là: Thiết kế nội thất, Thiết kế đồ họa, Đồ họa và Quản lý Văn hóa nhưng không có HSSV nên đành “cửa đóng then cài”.
Một giờ thực hành của sinh viên ngành cao đẳng Mỹ thuật. |
Ông Phước cho biết thêm có nhiều nguyên nhân khiến học sinh không lựa chọn các khối ngành đào tạo nghệ thuật ngoài nguyên nhân học xong khó kiếm việc làm thì hiện nay đang có một xu hướng học sinh xem các ngành khối nghệ thuật là một kỹ năng chứ không phải là một nghề nên nhiều em tự trang bị, bồi dưỡng năng khiếu ở các cơ sở đào tạo bên ngoài nhà trường. Do đó, các trường đào tạo khối ngành nghệ thuật vốn đã khó tuyển sinh nay lại càng khó khăn hơn. Dù số lượng HSSV ít nhưng các lớp vẫn phải hoạt động bình thường theo chương trình đào tạo đề ra. Các ngành học này không thể ghép lại thành một lớp vì mỗi ngành có một đặc thù riêng. Duy trì các ngành đào tạo khó tuyển sinh là một sự cố gắng lớn của nhà trường, bởi nếu đóng cửa mã ngành đào tạo này, sau này xin mở lại rất khó. Và về lâu dài sẽ dẫn tới thiếu nhân lực một số ngành văn hóa nghệ thuật đặc thù.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc