Multimedia Đọc Báo in

Nghị lực vượt khó của cô học trò người Êđê

15:19, 11/11/2017

Dù hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn nhưng em H’Mỹ Hạnh Mlô, học sinh lớp 6A5 Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (xã Ea Đar, huyện Ea Kar) vẫn luôn cố gắng vươn lên trong học tập.

Bố mất vì tai nạn giao thông, mẹ bị tâm thần nặng nên H’Mỹ Hạnh ở với bà ngoại từ nhỏ. Hai năm nay, bà bị bệnh nặng, em về sống với chị ruột ở buôn Sứk, xã Ea Đar. Ý thức được hoàn cảnh gia đình khó khăn nên H’Mỹ Hạnh rất tự lập trong sinh hoạt hằng ngày và luôn cố gắng vươn lên trong học tập. Suốt 5 năm học tiểu học, em đều đạt danh hiệu học sinh khá giỏi, trong đó tiếng Anh là môn em yêu thích nhất. Để học giỏi tiếng Anh, ngoài giờ học trên lớp, khi về nhà H’Mỹ Hạnh đều luyện viết từ vựng, xem các chương trình tiếng Anh trên tivi và tập nói bằng tiếng Anh… để nâng cao vốn từ và khả năng giao tiếp của mình.

H’Mỹ Hạnh (trái) dạy thêm tiếng Anh cho các em nhỏ trong buôn.
H’Mỹ Hạnh (trái) dạy thêm tiếng Anh cho các em nhỏ trong buôn.

Sau những giờ đến trường, H’Mỹ Hạnh còn phụ giúp chị làm việc nhà và chăm sóc mẹ. Thời gian rảnh, H’Mỹ Hạnh dạy thêm tiếng Anh cho các em nhỏ trong buôn. Mùa hè, em nhận cạo vỏ hạt điều, bóc mít thuê kiếm từ 40.000 – 50.000 đồng/ngày để dành tiền mua sách vở, đồ dùng chuẩn bị cho năm học mới. Em tâm sự: “Mẹ bị bệnh, suốt ngày lang thang ngoài đường, mưa gió, lạnh rét vẫn không ý thức được, ngay cả các con mẹ cũng không nhận ra nên em buồn và thương mẹ lắm. Em chỉ biết học thật giỏi để sau này có tương lai tươi sáng hơn, lo được cho mẹ. Em mơ ước sau này trở thành cô giáo, mang con chữ đến với trẻ em nghèo ở các buôn làng khó khăn, vùng sâu vùng xa”.

Cô Võ Thị Huệ, giáo viên chủ nhiệm lớp 6A5 Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi nhận xét: “Trên lớp em H’Mỹ Hạnh rất ngoan hiền, chú ý nghe thầy cô giảng bài. Tuy sức khỏe yếu, hay đau ốm nhưng em đi học rất đều và học rất chăm. Biết hoàn cảnh khó khăn của em, nhà trường luôn tạo mọi điều kiện cho em trong học tập”. 

Djuang Niê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.