Multimedia Đọc Báo in

Niềm vui giản dị của cô giáo dạy trẻ khuyết tật

16:24, 27/11/2017

"Hôm sau mỗi khi đến lớp con nhớ phải mang giày hoặc dép có quai hậu như thế này nhé!”, vừa nói, cô giáo Nguyễn Thị Kim Cúc vừa lấy tay chỉ vào đôi dép có quai hậu mà cô vừa lấy  từ khu nội trú của Trung tâm Hỗ trợ Phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh (sau đây gọi là Trung tâm) để chỉ cho cậu học trò khiếm thính.

Sau đó, cô Cúc lại quay sang nhắc nhở một em học sinh khác cũng bị khiếm thính không mặc đồng phục với những cách làm tương tự…

Nhìn những giọt mồ hôi lấm tấm trên gương mặt của cô giáo Cúc giữa ngày mùa đông chúng tôi thấu hiểu sự vất vả của việc dạy dỗ, chăm sóc trẻ khuyết tật. “Không như học sinh bình thường, cô giáo chỉ cần nhắc học sinh nhớ mặc đồng phục là các em tự biết phải mặc quần xanh, áo trắng, mang giày hoặc dép có quai hậu. Còn với học sinh khuyết tật “hiểu chậm, quên nhanh, thời gian chú ý kém”, giáo viên phải hướng dẫn trực quan sinh động và thường xuyên phải thay đổi phương pháp dạy dỗ thì các em mới tập trung chú ý, ghi nhớ. Việc duy trì nền nếp cũng chỉ vất vả vài tháng đầu năm học, sau đó cũng dần đi vào nền nếp, quy củ”, cô Cúc chia sẻ. Qua các đồng nghiệp của cô Cúc, chúng tôi biết không ít lần cô Tổng Phụ trách Đội đã phải mất ăn, mất ngủ, thậm chí có lúc muốn “buông bỏ” công việc mà mình đam mê theo đuổi.

 

“Niềm vui lớn nhất của tôi là khi thấy học sinh có thể viết được tròn con chữ, đủ kỹ năng tự phục vụ bản thân, chịu ngồi yên lắng nghe cô và hiểu đôi lời cô nói. Thật hạnh phúc khi thấy học trò của mình trưởng thành, có việc làm, thu nhập ổn định, thậm chí thu nhập cao hơn lương của cô giáo”

 
 
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Cúc

Tốt nghiệp THPT năm 2002, Nguyễn Thị Kim Cúc nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào ngành Giáo dục đặc biệt của Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. Quyết định này gây sốc không chỉ với bạn bè, thầy cô giáo mà ngay chính bố mẹ của Cúc. Mặc cho bố mẹ phản đối, khuyên nhủ, thậm chí “dọa” là nếu tiếp xúc, gần gũi với trẻ khuyết tật nhiều sẽ ảnh hưởng đến đường con cái sau này, Cúc  vẫn quyết tâm theo đuổi con đường mà mình đã chọn. Được học những kiến thức cơ bản về đặc điểm phát triển tâm sinh lý cũng như về can thiệp sớm cho trẻ có nhu cầu đặc biệt, cô Cúc càng thấy hứng thú và yêu thương những đứa trẻ sinh đã đã kém may mắn nhiều hơn.

Năm 2006, cô Cúc về nhận công tác tại Trung tâm Hỗ trợ Phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh. Hơn 10 năm gắn bó với trẻ khuyết tật có không ít niềm vui nhưng cũng lắm nỗi nhọc nhằn, nhiều lúc tưởng chừng không “vượt qua chính mình”. Có em học sinh bị bệnh down dễ cười, dễ khóc; có em chậm phát triển trí tuệ cứ ngồi nhìn vu vơ chẳng chú ý một thứ gì, em thì bị tăng động cứ nghịch phá không ngừng, em thì luôn luôn nổi cáu; có em đang học bị nôn ọe, đòi đi vệ sinh rồi bỗng dưng ngồi khóc…

Do đó, ngoài nắm bắt kỹ tâm lý, tâm tính của từng em, đòi hỏi giáo viên phải kiên trì, nhẫn nại, bền bỉ và hơn hết là tình yêu thương dành cho trẻ. Khó có thể nhớ hết những “sự cố” gặp phải trong quá trình dạy trẻ khuyết tật, nhưng nhờ sự tin tưởng, động viên kịp thời của Ban Giám đốc Trung tâm, của đồng nghiệp rồi mọi khó khăn cũng qua. Sự kiên trì, nhẫn nại của cô Cúc đã được đền đáp, các em đã biết đọc, biết múa, biết hát. Dù có em chỉ ngân nga mãi một nốt, có em cứ hát thật to át tiếng tất cả mọi người, có em cứ chực nằm lăn ra lớp học vì không thể kiểm soát hành vi…, nhưng đó là sự tiến bộ của trẻ, là niềm vui và hạnh phúc của những cô giáo đã chọn nghề dạy trẻ khuyết tật làm lẽ sống của mình.

Gia Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.