Multimedia Đọc Báo in

Tấm lòng yêu nghề của thầy cô giáo vùng sâu

07:25, 28/11/2017

Con đường đến hai điểm trường của Trường Tiểu học Lê Quý Đôn ở thôn 7 và thôn 9, xã Cư Króa (huyện M’Đrắk) vô cùng khó khăn, vất vả. Nhưng bằng tấm lòng yêu nghề, hết lòng vì học sinh, các thầy cô giáo nơi đây vẫn đều đặn, kiên nhẫn với hành trình mang con chữ đến với học trò vùng sâu.

Dạy học ở hai điểm trường trên có 13 thầy, cô giáo đến từ nhiều địa phương khác nhau. Người ở gần nhất cũng phải vượt khoảng 20 km mới đến trường, người xa nhất cách trường gần 100 km và đều phải vượt qua nhiều đoạn đường dốc, gồ ghề, khúc khuỷu, ổ voi, ổ gà lẫn lộn. Có đặt chân đến nơi đây, tận mắt chứng kiến mới thấu hiểu được những gian nan, vất vả mà các thầy, cô gặp phải trên con đường mang con chữ đến với học sinh.

Một tiết học  của cô và trò lớp 1Đ điểm Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, thôn 9, Cư Króa (huyện M’Đrắk).
Một tiết học của cô và trò lớp 1Đ điểm Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, thôn 9, Cư Króa (huyện M’Đrắk).

Cô Hồ Thị Thúy An gắn bó với điểm trường thôn 7 đã hơn 3 năm. Do điểm trường chưa có nhà công vụ cho giáo viên nên cô phải đi về trong ngày với khoảng cách hơn 20 km. Để đến trường đúng giờ, cô phải chuẩn bị tư trang từ chiều hôm trước và sáng nào cũng phải rời khỏi nhà ở xã Krông Jing vào lúc 5 giờ 30. Những hôm trời mưa, ngoài đi ủng, mặc áo mưa, cô còn phải mang theo vài bộ quần áo vào trường để thay đổi vì xác định thế nào cũng sẽ bị ngã vì đường trơn. Vất vả là vậy nhưng cô An và các thầy cô giáo khác ở điểm trường vẫn luôn cố gắng khắc phục khó khăn, bám trường, bám lớp truyền đạt kiến thức cho học trò vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cô An tâm sự: “Trời mưa, đường trơn chúng tôi không ngại, chỉ lo nhất là đến lớp không có học sinh. Có những hôm mưa to, gió lớn, học sinh nghỉ học nhiều, các thầy cô phải vào tận thôn, đến từng gia đình vận động các em đi học”.

Cô H’Ly Na Hwing dạy học tại điểm trường thôn 9 (Cư Króa) cách trung tâm huyện 35 km. Con nhỏ, đi dạy xa, đường đi hiểm trở nên dù con chưa đầy một tuổi, cô Ly Na vẫn phải gửi con cho ông bà nội ở TX. Buôn Hồ chăm sóc, cuối tuần mới về thăm con. Cô H’Ly Na bộc bạch: “Hồi mới nhận quyết định vào đây dạy học, khó khăn trăm bề, thiếu thốn đủ thứ, tất cả đều ngoài sức tưởng tượng, nếu không yêu nghề, thương học sinh thì rất dễ bỏ cuộc”.

Hành trình sáng đi, tối về vượt qua những chặng đường dốc gập ghềnh sỏi đá, hay ở tạm trú trong căn phòng chưa đầy 15 m2 thiếu điện, thiếu nước, thiếu thực phẩm, mới thấy được cái nghĩa, cái tình thầy trò, cái tâm mang tri thức đến với học sinh dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa của các thầy cô giáo. Dù đường đến trường của thầy và trò điểm Trường Tiểu học Lê Quý Đôn còn gian nan, vất vả, nhưng tình yêu thương học trò, khao khát được đứng đến bục giảng chính là động lực để các thầy cô nơi đây tiếp tục đồng hành cùng học sinh nơi vùng sâu Cư Króa.

Nhờ nỗ lực của các thầy cô không quản ngại khó khăn, vất vả, kiên trì bám trường, bám lớp, hai điểm trường thôn 7 và thôn 9 (xã Cư Króa) của Trường Tiểu học Lê Quý Đôn đều duy trì sĩ số từ 350-400 học sinh, 100% là người dân tộc Mông. 

            Thúy Diệp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.