Hành trình vượt núi tìm con chữ
Cách trung tâm xã hơn 30 km, buôn Liêng Keh (xã Đắk Phơi, huyện Lắk) nằm chênh vênh trên những ngọn núi cao. Đối với học sinh nơi đây, đến trường tìm con chữ là hành trình vượt núi, băng rừng vô cùng gian nan.
Bốn giờ sáng, trời buốt lạnh và mù sương. Hầu hết người dân buôn Liêng Keh đều đã thức dậy, bếp củi đỏ rực giữa những gian nhà, bắt đầu chuẩn bị cơm nước dùng cho cả ngày. Bữa sáng của 7 người gia đình em Sùng Thị Say (lớp 1, Trường Tiểu học Y Ngông Niê Kđăm) chỉ là một nồi cơm to và nửa bát hoa chuối luộc để lót dạ trước khi em bắt đầu hành trình vượt qua hơn 7 km đường rừng đến trường. Hành trang cho một ngày đi học bên cạnh sách vở còn có một túi cơm nhỏ và một chai nước được mẹ gói sẵn trong lúc Say ăn cơm. 5 giờ, Say ra đứng đợi ở đường, chờ thêm vài bạn nữa để đi học cùng cho vui. Say kể, năm nay em mới vào lớp 1, mấy ngày đầu em đi bộ không kịp, bị đau chân các anh chị trong buôn phải chờ, giúp mang cặp hộ, thay phiên nhau dìu em đi nên thời gian sau đó bố mẹ phải lấy xe chở đi, em chỉ phải đi bộ về. Được một tuần, bố mẹ cho em tự đi học; đi chậm nên em phải thức dậy sớm và đi sớm hơn, để đến giữa đường gặp các anh chị là đi học kịp giờ.
Em Sùng Thị Say đang ăn cơm để chuẩn đến trường. |
Trên những con đường mờ sương sớm, rộn ràng tiếng học sinh nói cười, tiếng bước chân phá vỡ không gian yên ắng của núi rừng. Từng tốp học sinh cùng nhau đi, xách theo từng bọc cơm trắng vượt qua nhiều đoạn đường bùn đất, có đoạn bùn ngập đến tận đầu gối phải nắm tay nhau đi tắt trong những lô cà phê của người dân hai bên đường. Nhưng khó khăn nhất là phải vượt qua được 3 con dốc cao kế tiếp nhau, đá lởm chởm. Với kinh nghiệm hơn 4 năm đi học qua đây, em Sùng A Qua (học sinh lớp 5) thường chủ động đứng chờ các em nhỏ hơn để có khó khăn gì thì giúp các em đến trường đúng giờ. Trên đường đi, Qua luôn chú ý xem có em nào đi chậm quá không rồi báo lại cho bố mẹ các em để sắp xếp công việc chở các em đến trường vào những hôm sau. Qua cho biết, trung bình mỗi ngày phải mất gần 2 tiếng em mới đi đến trường, những ngày trời mưa thì mất nhiều thời gian hơn. Khó khăn là vậy, nhưng chỉ khi trời mưa kéo dài nước suối dâng cao ngập đường không đi qua được thì em và các bạn mới nghỉ học. Vào các buổi chiều sau khi tan học, cả nhóm tập hợp lại và cố gắng đi thật nhanh để về đến nhà trước khi trời tối.
Các em học sinh phải đi học lúc trời còn mờ sương. |
Do phải đi bộ đến trường nên hôm nào học cả ngày các em đều phải mang theo cơm, nước. Dù phần đông các em chỉ ăn cơm chan với chai nước suối mang theo, rất ít khi có rau, thịt nhưng các em vẫn ăn rất ngon lành. Hơn nữa, dù còn nhỏ tuổi nhưng các em rất có ý thức trong học tập, sinh hoạt, không đợi bố mẹ phải thúc ép mà tự dậy sớm để đi học. Do buôn không có điện nên các em cố gắng hoàn thành bài tập trước khi về nhà.
Tuy còn nhiều khó khăn vất vả nhưng các em học sinh tại đây đều luôn cố gắng nỗ lực đến trường. Em Lồ Seo Phó năm nay 18 tuổi, học sinh lớp 8 (Trường THCS Lê Lợi, xã Đắk Phơi) kể, năm em học lớp 2 gia đình chuyển từ miền Bắc vào đây; do cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, lại xa trường nên em phải nghỉ học. Sau đó 4 năm, em được bố gửi xuống nhà người quen tại MĐ’rắk để tiếp tục theo học. Mỗi năm chỉ được về thăm nhà vài lần vào các dịp lễ, tết. Học xong tiểu học, em về học cấp II tại xã Đắk Phơi; tại đây bố em xin cho Phó và 6 em khác ở nhờ tại một phân trường của một công ty lâm nghiệp trên địa bàn. Cuối tuần cả nhóm lại đi bộ về thăm nhà một lần, chiều chủ nhật lại bắt đầu đi, gùi theo tất cả các nhu yếu phẩm cần thiết. Cứ thế, mấy anh em tự lo học hành, sinh hoạt cho bản thân; anh lớn thì chỉ bảo, nhắc nhở các em nhỏ hơn, giúp đỡ nhau trong học tập để bố mẹ không phải lo lắng.
Có đến tận nơi nhìn cảnh học sinh tại đây vượt núi để đến trường mới thấu hiểu được bao vất vả trong hành trình “nuôi” con chữ. Dẫu con đường đến trường còn lắm gian nan nhưng các em luôn chăm chỉ, chịu khó đi học bất kể mưa nắng.
Buôn Liêng Keh có 81 hộ dân, chủ yếu là người dân tộc Mông di cư từ phía Bắc vào, hiện có gần 60 em học sinh Tiểu học và THCS. Trong đó, có hơn 20 em học tại Trường THCS Lê Lợi (xã Đắk Phơi) phải đi bộ hơn 10 km đường rừng hiểm trở, đang được ở bán trú tại trường hoặc nhà người quen gần trường. Số còn lại học tại Trường Tiểu học Y Ngông Niê Kđăm (buôn Đắk Sar, xã Đắk Nuê) cách buôn hơn 7 cây số đường rừng. |
Thùy Dung
Ý kiến bạn đọc