Multimedia Đọc Báo in

Hết lòng vì học sinh vùng sâu

09:50, 06/12/2017

Với 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nhưng nhiều năm qua, Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng (xã Ea Trang, huyện M’Đrắk) đã làm tốt công tác duy trì sĩ số, giảm đáng kể số lượng học sinh bỏ học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Ea Trang là xã vùng sâu đặc biệt khó khăn của huyện M’Đrắk với 97% dân cư là người DTTS (Êđê, Mông, Tày, Nùng). Do cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào nương rẫy hoặc nhận giao khoán quản lý, bảo vệ rừng nên thường xuyên vắng nhà, thiếu sự quan tâm đến việc học tập của con cái. Trước thực trạng đó, để làm tốt công tác duy trì sĩ số học sinh, tăng cường tiếng phổ thông cho các em, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng đã lập kế hoạch phân công đội ngũ giáo viên vận dụng nhiều cách làm phù hợp với từng đối tượng học sinh.

Cô Hồ Thị Kim Thoa (giáo viên chủ nhiệm lớp 1B) Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng trong một tiết dạy.
Cô Hồ Thị Kim Thoa (giáo viên chủ nhiệm lớp 1B) Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng trong một tiết dạy.

Theo cô Phạm Thị Hòa, Hiệu trưởng nhà trường, đầu mỗi năm học, sau khi phân lớp, tất cả các giáo viên chủ nhiệm phải phân loại học sinh theo từng nhóm để có sự quan tâm, giúp đỡ tận tình, nhất là những em có hoàn cảnh kém may mắn như mồ côi, tàn tật, gia cảnh nghèo khổ… thì sự gần gũi của thầy cô giáo chính là niềm an ủi lớn, giúp các em có động lực đến trường để học tập. Mỗi giáo viên không chỉ làm hết trách nhiệm, bổn phận của mình ở trên lớp mà còn sẵn sàng bỏ thời gian, công sức tình nguyện chăm lo cho học sinh; đến tận nhà vận động các em ra lớp; chia sẻ từng bộ quần áo của con cái mình với học sinh vùng khó khăn; thậm chí có giáo viên còn sửa xe đạp cho học trò để các em có phương tiện đến trường… Bên cạnh việc duy trì sĩ số, nhà trường cũng tập trung tăng thời lượng dạy 2 môn tiếng Việt và Toán cho học sinh, nhất là học sinh ở những lớp đầu cấp; tổ chức dạy phụ đạo cho học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi; khuyến kích học sinh giúp nhau trong học tập…

Đoàn công tác của UBND tỉnh đến thăm lớp học của Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng.
Đoàn công tác của UBND tỉnh đến thăm lớp học của Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng.

 

“Khi học sinh bị đau ốm hay vắng học không có lý do, tôi luôn sắp xếp cùng các em trong ban cán sự lớp đến nhà thăm nom, hỏi han kịp thời và động viên các em quay lại trường trong thời gian sớm nhất. Tôi nghĩ, chỉ cần giáo viên coi mỗi học trò như con em trong nhà thì chắc chắn sẽ làm tốt vai trò của mình”.

 

Hồ Thị Kim Thoa, giáo viên chủ nhiệm lớp 1B, Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng

 

Hưởng ứng phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng cũng đã có những cách làm hay, sáng tạo như: tổ chức các phong trào cho học sinh tham gia vệ sinh, trang trí trường lớp, kế hoạch nhỏ, xây dựng mô hình thư viện xanh, phòng truyền thống Đội … Từ đó từng bước giúp học sinh mạnh dạn, tự tin; vun đắp tình cảm thầy trò, bè bạn…

Cô Phạm Thị Hòa cho biết, những năm gần đây, Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng hầu như không có học sinh nào bỏ học giữa chừng, sĩ số duy trì 100% từ đầu đến cuối năm học, tỷ lệ chuyên cần cũng đạt cao. Nhiều năm nay, tỷ lệ học sinh lên lớp của Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng luôn đạt trên 98,6%; tỷ lệ học sinh vào lớp 6 đạt 100%. Trong năm học 2016-2017 vừa qua, lần đầu tiên trường có 11 học sinh tham gia cuộc thi giải toán trên mạng Internet cấp huyện. Năm 2014, Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng được công nhận trường đạt Chuẩn Quốc gia mức độ I; nhiều năm liền trường luôn đạt danh hiệu tiên tiến trong ngành Giáo dục M’Đrắk.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.