Multimedia Đọc Báo in

Nghị lực vượt khó, học giỏi của cậu học trò nghề Điện tử công nghiệp

08:58, 26/12/2017

Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, sức khỏe yếu nhưng với ý chí, nghị lực vươn lên, Lê Như Trọng, học sinh lớp Trung cấp Điện tử công nghiệp khóa 15 (Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên) luôn đạt thành tích cao trong học tập.

Gia đình Trọng sinh sống tại thôn Ea Đinh, xã Ea Tân (huyện Krông Năng). Bố em bị khuyết tật bẩm sinh, không làm được việc nặng, gánh nặng gia đình dồn lên đôi vai của mẹ Trọng. Vì có 3 con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học, kinh tế gia đình lại khó khăn, nên năm 2011, sau khi gom góp vay mượn của bà con họ hàng, mẹ Trọng đi xuất khẩu lao động sang Cộng hòa Síp.

Lê Như Trọng (đứng đầu) cùng các bạn trong một tiết thực hành nghề.
Lê Như Trọng (đứng đầu) cùng các bạn trong một tiết thực hành nghề.

Khi mẹ đi làm xa, Trọng mới chỉ học lớp 6, nhưng là anh cả nên hằng ngày, sau giờ học Trọng phải chăm lo nhà cửa, vườn tược, phụ bố chăm sóc các em. Nhưng cũng kể từ đó, sức khỏe em kém dần và đến năm lớp 10 thì yếu hẳn, có khi phải nằm viện liên tục cả tháng. Vì không bảo đảm thời gian đến lớp, Trọng đành xin thôi học. Mẹ Trọng, cũng vì vậy, phải bỏ dở công việc để về nước.

Suốt năm học ấy, Trọng phải nghỉ ở nhà dưỡng bệnh. Thấy các bạn đến trường, lòng em cồn cào như lửa đốt. Thật may, nhờ có bàn tay chăm sóc của mẹ, sức khỏe em đã dần hồi phục. Ước muốn đến trường lại trỗi dậy. Nhưng ý nghĩ làm sao để rút ngắn thời gian học tập, sớm có việc làm, bớt được gánh nặng cho gia đình cứ thôi thúc Trọng. Thế nên, thay vì quay lại trường cũ học lại lớp 10, Trọng quyết định nộp hồ sơ vào Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên (trước đây là Trường Cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên) để xin học nghề Điện tử công nghiệp – ngành học em vốn yêu thích từ nhỏ và khá phù hợp với thể trạng của em.

Hằng ngày, ngoài giờ học văn hóa, Trọng lại say mê với các mô hình, máy móc, thiết bị, quy trình công nghệ… của nghề Điện tử công nghiệp. Những lúc rảnh rỗi, em thường xin phụ các thầy cô trong khoa sắp xếp, sửa chữa, lắp đặt mô hình, thiết bị, hoặc đi phụ việc tại các công ty nhằm nâng cao tay nghề, tích lũy thêm kinh nghiệm. Chính vì vậy, Trọng luôn đạt thành tích cao trong học tập. Năm học 2015 – 2016, kết quả học tập của em đạt loại Giỏi, năm học 2016 - 2017 đạt loại Xuất sắc, được nhận bổng khuyến khích học tập và giấy khen của Hiệu trưởng nhà trường.

Không chỉ học giỏi, Trọng còn là một cán bộ Đoàn năng nổ, nhiệt tình. Em hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên, Ủy viên Ban Chấp hành Liên chi đoàn Khoa Tin học – Ngôn ngữ - Kinh doanh, Bí thư Chi đoàn Trung cấp Điện tử công nghiệp 15, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khát vọng xanh. Trọng nhiều lần được tặng giấy khen của Ban Chấp hành Đoàn trường, được tuyên dương “Học sinh 3 rèn luyện” cấp tỉnh năm học 2015 – 2016, được Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh tuyên dương vì đã có thành tích xuất sắc trong chiến dịch Thanh niên tình nguyện Mùa hè xanh năm 2017.

Khi được hỏi về mong muốn của mình, Trọng hy vọng sau khi tốt nghiệp sẽ có một công việc ổn định, có thể hỗ trợ cho các em, chia sẻ bớt gánh nặng cho bố mẹ. Và khi có điều kiện, em sẽ vừa làm vừa học lên bậc cao hơn để mở mang kiến thức và nâng cao kỹ năng tay nghề.

Ngọc Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.